Chính trị - Xã hội
Kỳ cuối: Tràn lan tình trạng mua, bán sổ bảo hiểm
Thủ tục thanh toán hưởng chế độ BHXH một lần đơn giản, có nhiều kẽ hở, nên tình trạng mua, bán sổ bảo hiểm tràn lan gây những hệ lụy khó lường.
Nhan nhản các tờ quảng cáo mua sổ BHXH ở nhiều khu công nghiệp tại Đà Nẵng. |
Nhan nhản người mua, kẻ bán
Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những tờ quảng cáo dán đầy vách tường, cột điện, gốc cây… với nội dung rất “kêu” như: cần mua sổ BHXH giá cao, mua sổ BHXH chồng tiền ngay, ai có nhu cầu liên hệ 0913xxx…
Lần theo số điện thoại trên, chúng tôi liên lạc được với một người đàn ông tên Nam. Anh này hỏi khá kỹ tôi từng làm ở công ty nào, thời gian đóng bảo hiểm bao lâu. “Em làm 2 năm lương thấp thì chỉ khoảng 2 triệu đồng. Có bán thì anh mua. Trước đây làm thủ tục dễ lắm, nhận được liền nhưng bữa nay khó rồi. Thấy em khó khăn, cần tiền thì anh mới mua, chứ bữa nay anh chủ yếu cho vay lấy lãi thôi”, người đàn ông tên Nam cho biết qua điện thoại. Thấy tôi chê giá như vậy quá thấp, anh này bực mình: “Không bán thì thôi. Làm xong các thủ tục lời lãi đâu bao nhiêu”, rồi cúp máy.
Liên lạc với một số điện thoại khác, một giọng nữ tự xưng tên Lan ở quận Liên Chiểu chối quanh: “Chị chỉ chuyên cho vay thôi chứ có mua bán gì đâu”. Sau một hồi thuyết phục, chị này mới “khai thật”: “Dạo này họ kiểm tra ráo riết lắm nên phải thận trọng. Sổ của em chỉ khoảng 1,5 triệu đồng thôi. Nếu đồng ý thì phải kèm cho chị cả CMND và sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú nữa nhé”. Thấy tôi thắc mắc, chị này bực bội: “Trước đây thì dễ lắm, không cần giấy tờ gì nhưng bây giờ phải có thêm, người ta dặn thế. Số tiền cũng không nhiều mà khó quá thì thôi, chị không làm nữa”.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, thường thì các đối tượng đánh vào sự thiếu hiểu biết của người lao động để mua sổ BHXH với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng ¼ giá trị thực để thu lợi. Trò chuyện với chúng tôi, chị N.T.H (33 tuổi, ở quận Thanh Khê) thổ lộ: “Mình làm việc được 3 năm ở công ty may nhưng nghỉ việc để sinh con. Mới đây, cần tiền để trang trải sinh hoạt nên mình bán sổ BHXH để lấy ít tiền. Mình không biết cách làm thủ tục, vả lại con nhỏ không thể đi lại nhiều lần, thôi thì bán được đồng nào hay đồng ấy!”.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, nếu nhận chế độ nghỉ việc một lần thì thời gian đã đóng BHXH trước đó không còn giá trị. Bởi vậy, nếu người lao động tiếp tục đi làm thì thời gian đóng BHXH phải tính lại từ đầu và rất khó đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Về lâu dài, nhất là khi tuổi cao, sức yếu, do không được hưởng lương hưu hằng tháng, các đối tượng này sẽ tiếp tục là gánh nặng cho xã hội do phải giải quyết trợ cấp xã hội.
“Siết” khâu quản lý?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Khánh Linh thuộc Đoàn luật sư Đà Nẵng cho biết: “Căn cứ quy định của Bộ Luật dân sự về tài sản và Luật BHXH thì sổ BHXH là “tài sản” theo quy định của pháp luật. Sổ BHXH được cấp cho một chủ thể đặc biệt là người tham gia BHXH. Theo tinh thần chung của Luật Lao động và các luật liên quan như Luật Công chức, Luật Viên chức, người lao động phải tự mình thực hiện công việc được giao và không được chuyển nhượng cho người khác.
Do đó, sổ BHXH cũng chỉ được cấp duy nhất cho đối tượng đặc biệt là người lao động và nó không thể mua bán, chuyển nhượng. Không có quy định nào của pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép sang tên, đổi chủ đối với sổ BHXH. Các chủ thể liên quan dù muốn cũng không thực hiện được. Luật pháp hiện nay không có quy định cụ thể việc việc mua bán, chuyển nhượng này”. Tuy nhiên, cũng theo luật sư Linh, việc nhận số tiền BHXH theo hình thức “ủy quyền” thì lại được pháp luật thừa nhận.
Ông Đặng Hồng Quang, Trưởng phòng Kiểm tra, BHXH Đà Nẵng, nói rằng đây là điểm khó, tạo kẽ hở cho các đối tượng trục lợi: “Thực chất là mua bán, nhưng bề ngoài là ủy quyền cho người khác nhận giúp thì cơ quan chức năng phải giải quyết. Thủ tục hiện nay quá đơn giản nên khâu kiểm soát rất khó. Theo quy định, nghỉ việc trong vòng 12 tháng nếu không có việc làm mới thì được giải quyết cho hưởng BHXH 1 lần. Trong khi đó, người lao động thường cần tiền ngay, mặt khác việc tiến hành thủ tục cũng cần thời gian, nhiều người không nắm rõ, sợ phiền hà, ngại đi lại nên họ sẵn sàng bán sổ cho người khác với giá rẻ”.
Ông Quang cho biết thêm, BHXH thành phố đã đề nghị tất cả các quận, huyện làm việc với UBND xã, phường để chấn chỉnh tình trạng nói trên. “Vấn đề mấu chốt nhất ở đây là các địa phương khi chứng nhận giấy ủy quyền không đúng quy định. Ví dụ, chủ tịch phường ký thì ít nhất phải có 2 người có mặt mới ký giấy ủy quyền. Nếu phường làm chặt chẽ, nghiêm túc thì không thể có chuyện gian lận”, ông Quang nói.
Hiện nay, Giám đốc BHXH quận Thanh Khê đã thu hồi quyết định chi tiền sai quy định cho ông Lê Mạnh Hà (ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), đồng thời nâng cao kiểm tra kiểm soát như ở đoạn đầu vào nộp hồ sơ chưa chặt chẽ. Những trường hợp một người nhiều lần được người khác ủy quyền thì phải kiểm tra, rà soát để ngăn chặn.
Từ sự việc của chị Nguyễn Thị Thúy Diễm ít nhiều cho thấy những dấu hiệu của các đường dây mua, bán sổ BHXH, gian lận, tiêu cực, sai phạm trong thủ tục hành chính ở một số địa phương tại Đà Nẵng. Việc ngăn chặn, thu hồi số tiền chi trả sai quy định của pháp luật đã được xử lý nhưng chắc chắn những trường hợp mua bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền sẽ tiếp tục diễn ra nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời. Và thiệt thòi vẫn thuộc về người lao động với đồng lương ít ỏi.
Luật BHXH mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, quy định người lao động làm việc dưới 20 năm không còn được nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, thời điểm này, khi luật cũ vẫn còn hiệu lực, việc mua bán sổ BHXH, tranh chấp, ký nhận khống để hưởng chế độ BHXH vẫn diễn ra. |
Bài và ảnh: P.V