Chính trị - Xã hội
Phía sau ánh đèn cầu
Đà Nẵng - những ngày cuối năm mưa phùn rả rích, kéo theo từng cơn gió rít lạnh lẽo để người ta nhớ tới mùa đông. Những cây cầu trên sông Hàn trầm mặc ẩn mình trong làn mưa bay, chờ thức giấc khi đêm về.
Cầu Sông Hàn mở thông thuyền, dù đã 15 năm hoạt động vẫn không ngừng thu hút du khách thập phương thích thú thức chờ đợi xem cảnh tượng độc đáo này. |
Đêm xuống, thành phố lên đèn. Những cây cầu như giải lụa vắt ngang qua sông, bắt đầu ánh lên sắc màu lung linh. Cũng là lúc cán bộ, công nhân của các đội quản lý cầu đi vào công việc thầm lặng của mỗi người. Họ lặng lẽ, khuất lấp sau ánh sáng đèn cầu, duy trì sự ổn định cho những cây cầu khoe sắc.
“Tối 1-1 (Tết dương lịch), cầu Rồng có phun lửa, phun nước; cầu Sông Hàn không quay”, câu đối thoại của ông Đỗ Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng với một vị khách du lịch nào đó qua điện thoại trong khi đang tiếp chuyện với phóng viên. Ông Tiến cho biết, hằng ngày, có rất nhiều người điện thoại hỏi về lịch quay cầu Sông Hàn, phun nước và phun lửa của cầu Rồng. Vừa là niềm tự hào, nhưng cũng không ít áp lực cho đội ngũ quản lý, công nhân trực tiếp tham gia vận hành, quản lý những cây cầu trên. “Từ hệ thống vận hành đến điện chiếu sáng, đèn màu trang trí ở các cầu đều bằng công nghệ hiện đại.
Tuy vậy, không thay thế được vị trí của con người. Các công nhân quản lý, vận hành phải thay nhau trực 24/24 giờ. Tùy vào từng cây cầu sẽ có thêm đội vận hành ở cầu Sông Hàn và cầu Rồng”, ông Tiến nói. Bản thân tôi - người viết, từng nằm trong số đại chúng, chỉ xem cầu trên sông Hàn như những điểm nhấn trang trí làm đẹp cho thành phố, thu hút khách du lịch với những điều lạ, độc đáo của nó. Nhưng đằng sau đó là những câu chuyện về những công việc, những sự cố chỉ người trong cuộc mới biết, mới thấu hiểu.
Đà Nẵng đang vươn mình, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất năm 2015. Có được sức hút đáng nể ấy là cả một quá trình phát triển với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và toàn thể người dân thành phố cùng chung tay, góp sức. Người ở xa đến Đà Nẵng trầm trồ với những cái nhất chỉ có ở thành phố này.
Bên cạnh thán phục công tác giải tỏa đền bù, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, chăm lo đời sống cho người dân, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; những món quà ngày Tết cho bác xe ôm, người nghèo khó… để nâng thành phố lên tầm cao mới, tạo nên thương hiệu “thành phố đáng sống”.
Đà Nẵng có tượng Phật bà cao nhất Việt Nam; có “Đà Lạt của miền Trung” - Bà Nà; có cảng hàng không lọt tốp nhất thế giới; có vòng quay mặt trời đạt kỷ lục châu Á; có bãi biển đẹp nhất hành tinh; có khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất toàn cầu… Đặc biệt, có những cây cầu độc đáo, duy nhất ở Đà Nẵng mới có như cầu dây võng dài nhất, cầu quay duy nhất, cầu phun lửa, phun nước duy nhất.
Sức hút ở những nét độc đáo từ phun lửa, phun nước của cầu Rồng khiến không chỉ du khách mà còn cả người dân thành phố chứng kiến thường xuyên, không thôi mê mẩn, háo hức chờ đợi vào lúc 21 giờ hằng đêm cuối tuần. Và, dù đã quay 15 năm nay, cầu Sông Hàn chưa bao giờ nhàm chán đối với người dân thành phố và du khách thập phương, không ngại mưa, gió, thức qua ngày để chờ đợi, xem cầu quay.
Làm nên sức sống đó của thành phố, có một phần công lao thầm lặng của những người quản lý, vận hành các cây cầu độc đáo kể trên.
Cầu Rồng, mỗi tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các ngày lễ lớn trong năm và... trời không mưa, sẽ có phun lửa, phun nước. “Những đêm cầu có phun lửa, phun nước vào lúc 21 giờ, anh em trong đội vận hành phải có mặt từ 20 giờ, gồm cán bộ kỹ thuật, bảo vệ; 20 giờ 30, bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra thiết bị, hệ thống phun lửa, phun nước; bảo vệ chuẩn bị barie để ngăn khoảng cách bảo đảm an toàn cho người xem. Sau đó, tổng rà soát các vấn đề liên quan để bảo đảm quá trình vận hành không gặp trục trặc gì.
Đối với phun lửa, ở miệng rồng có quả cầu phòng cháy chữa cháy, nếu có sự cố, tự khắc quả cầu sẽ bung ra để dập lửa kịp thời. Đối với phun nước, chỉ dùng nước thủy cục để bảo đảm môi trường, an toàn cho du khách và kết cấu của cây cầu”, ông Lê Ngọc Biên, Đội trưởng Đội quản lý cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý cho biết. Đối với cầu Trần Thị Lý, theo ông Biên, hiện có một tổ “bác sĩ” quan trắc chuyên theo dõi “sức khỏe” cho cầu hằng ngày. Vì là một cây cầu hiện đại, tổ “bác sĩ” này thường xuyên kiểm tra hệ thống cáp néo, dây văng, trụ, mố cầu và đỉnh tháp, quả cầu trên đỉnh tháp nghiêng…
Cầu Sông Hàn, lúc 0 giờ. Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng may mắn được trực tiếp tham gia theo dõi tổ vận hành cầu quay. Đêm đông, gió rít từng cơn, mưa bay vào mặt người đi đường. Đứng trên cầu, 23 giờ 30, tổ vận hành 13 người đã tập trung đầy đủ để thao tác các công việc, từ kiểm tra hệ thống thiết bị vận hành, barie, thông báo cho người đi đường, du khách xem cầu quay tạm dừng qua cầu.
Ông Lê Xuân Tánh, Tổ trưởng Tổ quản lý, vận hành cầu Sông Hàn, cho biết: “Năm 2000, cầu Sông Hàn khánh thành, đội quản lý, vận hành phà chuyển lên quản lý, vận hành cầu quay qua một cuộc thi tuyển gắt gao, rất đặc biệt với người đứng ra trực tiếp tuyển chọn là ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Chủ tịch UBND thành phố. Hơn 100 người, chỉ tuyển được 15 người ưu tú nhất. Trước đây, đêm nào cầu cũng quay để phục vụ tàu, thuyền ra vào qua cầu Sông Hàn.
Hồi đó, anh em trong tổ quản lý, vận hành cực khổ, tiền bồi dưỡng ca đêm chưa được 20 ngàn đồng. Nhưng từ khi được tuyển vào tổ, nắm rõ chuyên môn, tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, anh em không ai nề hà kể khổ. Hằng đêm, từ lúc 0 giờ mở cầu đến 4 giờ sáng đóng cầu, coi như thức trắng đêm bất kể mưa, gió.
Bây giờ, chế độ được cải thiện nhiều, công việc cũng nhẹ nhàng hơn khi cầu Rồng được xây dựng, cầu Sông Hàn chỉ còn quay vào hai ngày cuối tuần để phục vụ du lịch, thời gian quay cũng ngắn lại. Dù vậy, công tác vận hành, quản lý cầu đều bảo đảm tuyệt đối. Trừ khi gió quá cấp 7 không bảo đảm an toàn, còn lại cầu vẫn quay theo đúng lịch trình”.
Tôi hỏi về những vất vả, những đêm trắng thức cùng cầu, những đêm giao thừa đón năm mới trên cầu, ông Tánh phủi tay: “Quen rồi, cũng chẳng có gì đáng kể. Mình làm công việc đặc thù, còn có du khách thức cùng ngắm cầu quay là niềm vui lớn cho anh em. Suốt 15 năm nay, đêm giao thừa, anh em trong tổ đa phần đều đón giao thừa trên cầu. Bắt đầu từ 20 giờ, tập trung 100% quân số để trực. Sau giao thừa, sau những màn pháo hoa thì theo phân ca, 2 người ở lại để bảo đảm 24/24 giờ cầu có người trực. Những ngày Tết cũng vậy, dù không phải quay (đến ngày 4 Tết cầu mới quay lại), nhưng không được phép bỏ cầu. Rồi những ngày có Lễ hội Pháo hoa quốc tế, anh em cũng phải trực 100% quân số để bảo đảm không có sự cố gì xảy ra. Ừ, thì vợ, con có lúc buồn, nhưng rồi cũng hiểu, thông cảm cho mình”…
Cầu thông xe, từng lượt xe máy, ô-tô lại náo nhiệt qua cầu. Những người trong tổ vận hành cầu quay lặng lẽ trở về, hòa lẫn vào dòng người xuôi ngược qua cầu. Không ai biết họ là ai. Nhưng ai cũng biết, cầu Sông Hàn vẫn quay đều vào mỗi tối cuối tuần để làm nên giá trị độc đáo của thành phố.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY