.

40 năm nhìn lại và suy ngẫm

.

Sự kiện 30-4-1975 lâu nay thường nói là ngày đại thắng, ngày giải phóng miền Nam. Nói vậy vẫn đúng, không sai, nhưng tôi thích gọi đó là ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Càng suy ngẫm càng thấy mừng và tự hào. Trên thế giới có nước bị chia cắt trước nước ta mà mãi đến nay vẫn chưa thống nhất, thường xuyên căng thẳng trong tình trạng có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Ngày ấy cũng có người không muốn ta thống nhất, muốn để nước ta mãi mãi là hai miền, có lẽ là để dễ bề chi phối chăng? Trong đại chiến dịch thần tốc ấy, việc giải phóng Đà Nẵng trước mấy tháng so với dự tính lúc đầu quả là có ý nghĩa lớn lao.

Chính điều này góp phần quyết định giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, kết thúc cuộc kháng chiến. Chưa kịp mừng vui trọn vẹn, chúng ta phải đối phó với một cuộc chiến tranh khác từ phía Tây Nam, tiếng súng bắt đầu nổ chỉ ít ngày sau đó. Nếu chậm giải phóng Sài Gòn thì việc thống nhất đất nước sẽ khó biết chừng nào.

Một góc thành phố Đà Nẵng. 										Ảnh: NGỌC HỢI
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI

Từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã 40 năm. Thời gian trôi đi thật nhanh, hào khí non sông ngày ấy như còn vang vọng tới hôm nay mỗi khi nhớ lại, đã bằng một đời người tính theo thời gian làm việc. 40 năm cũng có nghĩa gần nửa thế kỷ, không dài so với lịch sử, nhưng rất dài so với một đời người và so với tốc độ công nghiệp ngày nay.

Trong 40 năm ấy, hơn 20 năm là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chung, gần 20 năm tách ra Quảng Nam và Đà Nẵng. Khoảng 10 năm đầu sau 1975 là thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, khai hoang vỡ hóa, tập trung làm thủy lợi và ứng dụng giống mới, cả tỉnh như một đại công trường, hừng hực khí thế, khó khăn nhiều và quyết tâm cao, vượt qua vô số thử thách, cả thiếu ăn và cả thương vong do bom mìn sót lại. Mọi người hăng hái, sôi động, đây là thời kỳ năng suất và sản lượng lúa của  Quảng Nam-Đà Nẵng tăng rất nhanh.

Gần 10 năm tiếp theo là thời kỳ trì trệ, bỏ mất nhiều cơ hội, nội bộ lủng củng, bất ổn. Gần 20 năm  sau đó, nhất là sau khi chia tỉnh, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều có một bước tiến rất đáng kể. Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, đến nay là một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ vào loại khá.

Thử đọc lại các số liệu thống kê qua 18 năm, sau khi chia tỉnh: Quy mô nền kinh tế gấp hơn 30 lần, giá trị sản xuất công nghiệp gấp 35 lần, khách du lịch tăng 40 lần, giá trị xuất khẩu tăng 44 lần; tổng thu ngân sách trên địa bàn gấp 67 lần, từ 130 tỷ đồng/năm lên trên 9.000 tỷ đồng/năm; GDP bình quân đầu người tăng 17 lần. Đó là những con số khá ấn tượng.

Còn Đà Nẵng là một sự bứt phá sâu sắc và khá toàn diện.  Từ một thành phố thuộc tỉnh bé nhỏ, hạ tầng hầu như chưa có gì, nhà cửa lụp xụp với nhiều khu “ổ chuột”, năm 1997 Đà Nẵng có chưa tới 400 con đường có tên nay hơn 1.600 con đường hoàn chỉnh, Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố lớn của Việt Nam, đẹp, sạch và ấn tượng, là nơi đáng sống, nhiều người từ các nơi đã chuyển về sống ở Đà Nẵng với một sự hài lòng và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn…

Nhìn tổng thể những thành tựu của Quảng Nam và Đà Nẵng, để thấy 40 năm qua vùng đất nổi tiếng thời chiến tranh này có nhiều thay đổi trong xây dựng và phát triển. Nhân dân, Đảng bộ và chính quyền đã làm được rất nhiều việc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn chưa phải đã nhiều, chưa thể bằng lòng thỏa mãn, vẫn có những giai đoạn và công việc không hiệu quả, trì trệ, mất cơ hội đáng tiếc. Giá mà không như thế, giá mà lúc ấy khác đi thì còn tiến xa nữa; nhưng thôi, lịch sử thì không nên và không thể giả định, vì nếu như vậy sẽ là vô cùng…

Điều cần thiết là nhìn lại và suy ngẫm về nguyên nhân thành công, thất bại và bài học, để qua đó mà trưởng thành hơn, để thời gian tới có những thành công mới lớn và vững chắc hơn, xứng đáng hơn với truyền thống anh hùng trong thời chiến tranh giữ nước.

Việc chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày đó là  một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng phát triển nhanh hơn. Truyền thống chung trong lịch sử và nghĩa tình ruột thịt anh em không hề mất đi, không hề mờ nhạt mà cả hai cùng nhau viết tiếp những trang mới trong quá trình phát triển. Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế đô thị, mạnh dạn sử dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng; Quảng Nam quyết tâm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch và công nghiệp với tư tưởng và cơ chế kinh tế mở… là sự lựa chọn đúng, chẳng những đối với các năm qua mà còn ý nghĩa cho nhiều thập niên nữa.

Ngày hội trên sông Hàn. 					Ảnh: NGỌC HỢI
Ngày hội trên sông Hàn. Ảnh: NGỌC HỢI

Sự phát triển tiếp đến chủ yếu sẽ theo chiều sâu, dù chiều rộng vẫn chưa phải đã hoàn toàn kết thúc. Quảng Nam và Đà Nẵng phải phát triển trong thế liên hoàn, phấn đấu để sớm vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình, tiến lên thu nhập cao. Sự phát triển theo chiều sâu đòi hỏi hàm lượng chất xám nhiều hơn, để có thể tạo ra giá trị sáng tạo mới và giá trị gia tăng cao.

Con người với năng lực thực tế sẽ là nhân tố quyết định, nhất là trình độ quản trị và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục và công tác đào tạo sẽ mang ý nghĩa hàng đầu, không có cách khác thay thế. Chúng ta cần có những con người độc lập tư duy, có khả năng sáng tạo và năng lực hành động thực chất, chứ không phải những con người chỉ biết nói theo và làm theo, thừa hành một cách thụ động.

Cần sớm chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức một cách áp đặt sang một nền giáo dục phát triển nhân cách, năng lực, bắt đầu từ đổi mới chương trình, thay đổi mục tiêu cụ thể, đổi mới cách dạy và cách học, đổi mới cách đánh giá người học, thực hiện dân chủ rộng rãi đối với sinh viên và thầy giáo, thực hiện quyền tự chủ đối với cơ sở đào tạo, tự do tư tưởng trong học thuật, chấp nhận tính đa dạng văn hóa, bình đẳng và tôn trọng ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp cận chân lý, không áp đặt và không quy chụp, tôn trọng phản biện và tôn trọng tự do cá nhân trên nền tảng văn hóa cộng đồng, dân tộc và các giá trị nhân văn của con người, của nhân loại.

Ngày xưa đã có thời kỳ châu Á phát triển trước châu Âu, khi châu Á có nhiều bước tiến trên con đường văn minh thì châu Âu còn trong đêm dài nô lệ của thần quyền, ai nói khác giáo hội sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu; vậy mà sau khai sáng và phục hưng châu Âu đã giải phóng tư tưởng, mở đường cho phát triển tự do cá nhân. Từ đó (tất nhiên không chỉ có vậy) châu Âu đã phát triển vượt lên, bỏ châu Á lại phía sau. Sang giai đoạn sau đó, một số nước ở khu vực châu Á phát triển nhanh lên được cũng có kinh nghiệm về vai trò của tự do cá nhân.

Tất nhiên tự do trong tất yếu, là tự do cá nhân chứ không phải cá nhân chủ nghĩa. Tự do đem lại sáng tạo. Tự do làm cho con người phát triển. Con người là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội. Vì vậy, tự do đem lại sự phát triển. Và sự phát triển phải đem lại tự do lớn hơn cho con người. C.Mác đã từng khẳng định mục tiêu cuối cùng của xã hội tương lai là đem lại sự tự do cho con người, tự do cho mỗi người là điều kiện để có tự do cho mọi người. Bác Hồ còn nói nếu nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì.

Tự do và phát triển của con người là mục tiêu cao cả và vinh quang nhất của xã hội mới - xã hội XHCN. Tôi nghĩ Quảng Nam và Đà Nẵng vốn là vùng đất mở từ ngày xưa, nay phải là vùng đất tốt cho sự phát triển của con người, phải là quê hương của đổi mới, trước tiên là đổi mới tư duy. Từ sự phát triển của con người sẽ tạo ra sự phát triển của một vùng đất. Và sự phát triển của một vùng đất phải đem lại sự phát triển nhiều hơn cho con người. Đó mới là sự phát triển bền vững nhất.

Để có điều kiện cho phát triển cần phải có môi trường ổn định về chính trị-xã hội, một sự ổn định có tính bản chất, chứ không phải là sự ổn định hình thức, không thực chất. Sự ổn định chính trị-xã hội phụ thuộc chủ yếu vào đường lối và nhân cách của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quyền lực đời nào cũng có mặt trái là làm tha hóa các quan chức, nếu như họ không có đủ nhân cách lớn hơn quyền lực được trao.

Nhà Ngô huy hoàng trong công cuộc giành lại độc lập sau một nghìn năm Bắc thuộc nhưng rồi cũng sụp đổ do tha hóa quyền lực khi cầm quyền chưa được 30 năm. Nhà Đinh lên thay rồi cũng tha hóa và kết thúc trong vòng 15 năm. Tiền Lê nối tiếp rồi cũng vậy chỉ tồn tại gần 30 năm. Nhà Lý và nhà Trần trị vì lâu nhất, mỗi triều đại trên dưới 200 năm nhờ biết chăm dân - coi dân là gốc; mặc dù vậy nhưng cuối cùng cũng do tha hóa quyền lực mà sụp đổ. Nhà Hồ chỉ được có 7 năm. Hậu Lê (Lê sơ) oanh liệt với khởi nghĩa Lam Sơn, thắng quân Minh giành lại độc lập cho dân tộc, nhưng sau khi lên nắm quyền một thời gian thì tha hóa và kết thúc khi chưa được 100 năm.

Nhà Mạc chỉ 65 năm. Nhà Tây Sơn hùng tráng và vẻ vang như vậy cũng tha hóa và kết thúc trong vòng 24 năm. Liên Xô trước đây hùng tráng, lập được nhiều chiến công vẻ vang như vậy, mà sau đó do tha hóa quyền lực đã dẫn đến đổ vỡ đến mức không tưởng tượng nổi… Mỗi khi và ở đâu quyền lực tha hóa thì đạo đức xã hội suy đồi. Mà đạo đức xã hội suy đồi thì kéo theo hệ lụy nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy mà Macxim Gorki có lần nói, đối với ông khi nghe Tổ quốc lâm nguy không đáng sợ bằng văn hóa lâm nguy.

Quảng Nam và Đà Nẵng cần có một đội ngũ cán bộ có trí tuệ, đủ nhân cách và cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế dân chủ để nhân dân phản biện, giám sát và tham chính nhằm bảo đảm không bị tha hóa quyền lực, tham nhũng và lợi ích nhóm, giữ cho sự ổn định chính trị - xã hội lâu dài và bền vững. Phải chăm lo xây dựng Đảng bộ về trí tuệ và đạo đức, hết lòng phục vụ nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi, đầy tâm huyết cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Được vậy, tôi nghĩ rằng Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ, không ngừng và bền vững. Trên đây là những suy nghĩ có thể còn có mặt chủ quan, tôi muốn nêu lên để cùng trao đổi và xin được lắng nghe.

3-2015

VŨ NGỌC HOÀNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

;
.
.
.
.
.