Chính trị - Xã hội
Bài 1: Người dân đồng lòng
“Năm văn hóa, văn minh đô thị” được triển khai gần 2 tháng qua bước đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc hưởng ứng của đại đa số người dân.
Mỗi người một hành động nhỏ sẽ góp phần xây dựng thành phố văn hóa, văn minh. Trong ảnh: Tổ bảo vệ Ban quản lý chợ Cồn sơn sửa, chỉnh lại khu vực mặt tiền chợ. |
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, mọi thứ mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Chỉ đạo quyết liệt
Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, từ giữa tháng 1, UBND thành phố đã triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn 7 nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó, xác định tập trung giải quyết triệt để, tiến tới chấm dứt 3 nhóm hành vi vi phạm gồm quảng cáo tờ rơi, rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; đeo bám, chèo kéo khách du lịch; lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng.
Khởi động chiến dịch là lễ ra quân đồng loạt hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” diễn ra tại 7 quận, huyện của thành phố vào ngày 18-1 với sự tham gia của hầu hết lãnh đạo thành phố. Đích thân Bí thư Thành ủy Trần Thọ trực tiếp đi kiểm tra việc thực hiện công tác này. Kèm theo đó là nhiều hoạt động thiết thực như: tháo dỡ mái che tự động trên các tuyến đường trung tâm thành phố; xóa quảng cáo, rao vặt trái quy định trên một số tuyến phố, dọn vệ sinh môi trường, phát quan cây cỏ ở các khu đất trống, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán…
Đầu tháng 2 vừa qua, UBND thành phố quyết định thành lập tổ liên ngành triển khai Chỉ thị số 43-CT/TU. Tổ liên ngành có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng, kế hoạch của UBND thành phố và kế hoạch của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU. Định kỳ hằng tuần, tháng, quý, Tổ liên ngành 43 báo cáo lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, UBND thành phố ban hành số điện thoại đường dây nóng phục vụ “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của Đà Nẵng là 05113.881888.
Hai tháng qua, xe tuyên truyền cổ động cấp quận và cấp phường thực hiện thường xuyên, liên tục trên các tuyến đường chính và các điểm tập trung đông dân cư, chợ, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường.
Dựa vào dân
Chủ trương của thành phố nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, trước hết là những “đại sứ” du lịch của thành phố như: đội ngũ xích lô, chị em tiểu thương tại các chợ.
Anh Thịnh, đội trưởng đội xích lô du lịch Đà Nẵng, cho biết thời gian vừa qua, 70 thành viên của đội đã được Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng triển khai, hướng dẫn chủ trương Chỉ thị số 43-CT/TU và các thành viên cùng ký cam kết không đeo bám, chèo kéo du khách. Anh Thịnh dẫn chứng trường hợp một thành viên trong đội có hành vi chèo kéo du khách vào ngày 15-1 trên đường Bạch Đằng, lãnh đạo Sở VH-TT&DL đã tổ chức họp khẩn, chấn chỉnh hành vi này. “Thời gian tới, sẽ quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm. Lần đầu nhắc nhở, cảnh cáo, đến lần hai thu hồi xe một tuần và tiếp tục vi phạm thì thu hồi xe. Anh em trong đội cũng tự bảo nhau giữ gìn hình ảnh người Đà Nẵng trong mắt du khách”, anh Thịnh chia sẻ.
Tại chợ Cồn và chợ Hàn - hai chợ trung tâm của thành phố, lượng khách mua sắm luôn đông đúc. Tranh thủ lúc thưa khách, chị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN chợ Cồn, cho biết thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, chị em tiểu thương tiếp tục phát huy văn minh thương mại đã thực hiện hiệu quả lâu nay. Đặc biệt, sẽ tạo “phong cách” mua bán vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi; không nói thách giá, không chèo kéo khách, không bán hàng giả…
Văn hóa, văn minh đô thị cũng được phổ biến đến từng khu phố. Cuộc họp đầu năm 2015 tại tổ 82, phường Thanh Bình (quận Hải Châu) sôi nổi hẳn khi đề cập đến “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và nhận được hưởng ứng từ người dân trong việc giữ gìn vệ sinh khu phố, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, gia đình yên ấm, đẩy lùi tệ nạn xã hội…
Vẫn thiếu “lửa”
Dù được phổ biến rộng rãi, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn thiếu những hành động quyết liệt. “Cụ thể, với 3 nhóm hành vi tiến đến xóa bỏ, vẫn chưa thấy xử lý triệt để. Tại các quán ăn, nhiều người bán hàng rong, bán kẹo kéo đến mời mọc mua, khách cố tình lờ đi nhưng vẫn bị chèo kéo, vài người buông những lời khó nghe khi bị từ chối. Quảng cáo, rao vặt vẫn dày đặc ở các con hẻm”, anh Lê Thanh (quận Hải Châu) nói.
Về vấn đề này, một tổ trưởng tổ dân phố cho biết, dù đã vận động, phổ biến cho người dân, nhưng rất cần các cấp chính quyền địa phương có những hành động thiết thực hơn. Chẳng hạn, cán bộ phường, cán bộ Đoàn chia nhau về các tổ cùng người dân thực hiện ngày chủ nhật xóa quảng cáo, rao vặt trong các con hẻm, dọn vệ sinh môi trường... “Người dân chỉ tiếp cận thông tin, còn chưa hành động vì thiếu hướng dẫn, chương trình cụ thể. Cần khơi dậy tinh thần của người dân, dựa vào sức dân”, vị tổ trưởng này nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL thừa nhận, sau đợt ra quân rầm rộ vào giữa tháng 1, không khí có vẻ trầm lắng do bị gián đoạn khi nghỉ Tết nguyên đán kéo dài nhiều ngày. “Thời gian tới, Sở VH-TT&DL, đơn vị thường trực “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, sẽ phối hợp cùng các ban ngành khác triển khai quyết liệt chủ trương của thành phố, “xốc” lại mọi hoạt động, thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra”, ông Chiến cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ