Chính trị - Xã hội

Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng: 50 năm nhìn lại

07:54, 12/03/2015 (GMT+7)

Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng cách đây tròn nửa thế kỷ được xác định là ngày 8-3-1965. Thật ra đây không phải là thời điểm đầu tiên chính phủ Mỹ đưa quân đội đến Đà Nẵng kể từ sau Hiệp định Genève tháng 7-1954.

Ngay trong năm 1965, theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà Hồ Nghinh gửi Khu ủy Khu 5 - mật danh A15, thì ngày 7-2, “Mỹ đưa vào Đà Nẵng 550 lính thủy đánh bộ với 1 tiểu đoàn tên lửa Diều Hâu/Toma Hawk”(1).

Lính Mỹ di chuyển về căn cứ sau khi đổ bộ vào Đà Nẵng. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)
Lính Mỹ di chuyển về căn cứ sau khi đổ bộ vào Đà Nẵng. (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp)

Thế nhưng, ngày 8-3-1965 đi vào lịch sử với tư cách lần đầu tiên người Mỹ chính thức thừa nhận đã đưa quân đội trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, cụ thể họ đã xây dựng kế hoạch rất bài bản và được bảo mật tối đa để đưa Lữ đoàn 9 Viễn chinh Thủy quân lục chiến Mỹ/The 9th Marine Expeditionary Brigade (9MEB) đến Đà Nẵng. Cuộc đổ bộ này do tướng Mỹ Frederick J. Karch chỉ huy, chia thành hai đợt: buổi sáng bằng đường biển qua đầu cầu Red Beach Two trên bờ vịnh Đà Nẵng và buổi chiều qua đường hàng không - không vận từ Okinawa đến Sân bay Đà Nẵng, trong đó đáng chú ý là cuộc đổ bộ vào Red Beach Two.   

Sáng 6-3-2015, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng khai mạc Triển lãm “50 năm Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” và chiều cùng ngày phối hợp với Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu tổ chức Tọa đàm khoa học “50 năm Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng”. Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển lên một tầm cao mới, cuộc triển lãm và cuộc tọa đàm cùng chủ đề “50 năm Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” có ý nghĩa như thế nào?

GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đã có lý khi cho rằng mọi khúc mắc trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải được xem như những cái hố hay những vết hằn lịch sử, mà cách xử lý đàng hoàng và đúng đắn là không được phép lấp hố hay xóa vết hằn nhằm che giấu lịch sử. Nhà sử học này còn khẳng định nếu thực lòng muốn hướng tới tương lai, các quốc gia trong cuộc cần thành tâm bắc cầu đi qua hố ngăn cách, đường đi lối lại vẫn thông suốt thênh thang trên cây cầu, nhưng người trong cuộc vẫn có thể nhìn thấy, vẫn đủ sức hình dung đúng như cái hố cách ngăn đó từng tồn tại.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển lên một tầm cao mới chính là cây cầu hữu nghị ấy và cuộc triển lãm cũng như cuộc tọa đàm lần này sẽ giúp chúng ta nhìn lại một trong những nhác cuốc cách đây nửa thế kỷ từng làm cho cái hố ngăn cách giữa hai đất nước sâu hơn. Nhìn lại và suy ngẫm không phải để khơi gợi lại hận thù trong quá khứ mà là để cùng nhau hướng tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

Triển lãm “50 năm Ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” được cấu trúc thành ba phần: Phần thứ nhất - “Khởi đầu từ Red Beach Two…” - là các ảnh tư liệu và hiện vật ghi lại những khoảnh khắc lịch sử từ khi người lính Mỹ đầu tiên thuộc Lữ đoàn 9 viễn chinh Thủy quân lục chiến vừa đổ bộ lên Red Beach Two vào 8-3-1965, cho đến quá trình Mỹ xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai ở miền Nam, cho đến lúc buộc phải cuốn cờ rút quân về nước, cũng vào một ngày tháng 3-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Phần thứ hai- “Đà Nẵng kiên cường chống Mỹ” - là các ảnh tư liệu và hiện vật phản ánh cuộc đấu tranh chống Mỹ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trong nội thành, cho đến vành đai diệt Mỹ Hòa Vang, cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng, cũng vào một ngày tháng 3-1975.

Và phần cuối cùng/phần thứ ba - “Quá khứ và hiện tại” - là các ảnh tư liệu thể hiện rõ quan điểm gác lại quá khứ hướng tới tương lai của người Đà Nẵng. Ngay trong ngày khai mạc, triển lãm đã thu hút đông đảo cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và  học sinh Đà Nẵng cũng như một số khách nước ngoài. Phóng viên của báo điện tử Infonet đã phỏng vấn tại chỗ một người khách Nhật - phóng viên Kotaro Kodama thuộc Văn phòng châu Á đóng tại Bangkok của nhật báo The Yomiuri Shimbun.

Trả lời câu hỏi của Infonet trong cuộc phỏng vấn: Nghe nói anh từ Thái Lan qua Việt Nam là đến ngay Đà Nẵng chỉ vì cuộc triển lãm này, anh có thể giải thích vì sao không? Kotaro Kodama trả lời: Tôi được biết ngày 8-3 sẽ đánh dấu cột mốc tròn 50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Việt Nam, nên tôi tới đây để tìm hiểu thêm về sự kiện này. Tôi thấy khá ấn tượng với cách trưng bày của cuộc triển lãm. Một bên là những hình ảnh quân Mỹ đổ bộ và các hoạt động quân sự của họ tại Đà Nẵng cho đến khi rút về nước, một bên là những hình ảnh về phong trào đấu tranh chống Mỹ của người dân Đà Nẵng trong những năm tháng chiến tranh.

Được hỏi ngoài cách trưng bày, điều anh thấy ấn tượng nhất qua cuộc triển lãm này là gì, Kotaro Kodama nhận xét: Phải nói là tôi rất ấn tượng khi thấy rất nhiều học sinh đến với cuộc triển lãm này và xem các hình ảnh, hiện vật một cách chăm chú, háo hức. Thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu tại các cuộc triển lãm như thế này là một cách rất tốt để giáo dục về lịch sử!

Đặc biệt, khi được hỏi về phần trưng bày có chủ đề “Quá khứ và hiện tại”, Kotaro Kodama tỏ ra hết sức tâm đắc: Tôi thấy việc trưng bày, giới thiệu về những đổi thay của Đà Nẵng sau 50 năm kể từ ngày quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam là điều rất hay. Nó cho thấy Việt Nam không chỉ và không còn là một cuộc chiến tranh, mà Việt Nam là một đất nước hòa bình, một sự phát triển. Nó cũng cho thấy người dân Đà Nẵng cũng như người dân Việt Nam mong muốn gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Tôi được biết Đà Nẵng có thể xem là một trong những thành phố tốt nhất ở Việt Nam hiện nay, thu hút rất nhiều khách du lịch. Phần trưng bày “Quá khứ và hiện tại” cho thấy người dân ở đây không có cái nhìn tiêu cực về quá khứ.

Lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có cái nhìn tích cực về tương lai để mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển. Nên mọi người hãy cùng bắt tay để xây dựng!

Nếu cần nói thêm điều gì về cuộc triển lãm này thì đó là việc số lượng ảnh tư liệu và hiện vật được trưng bày hôm nay còn quá khiêm tốn/quá ít ỏi so với yêu cầu của cuộc triển lãm này. Các tờ báo tiếng Việt hoặc tiếng Anh vào thời điểm đó đưa tin về cuộc đổ bộ của lính Mỹ rất cần được sưu tầm và trưng bày.

Với những ảnh tư liệu hiện đang có trong tay cũng nên phóng to hơn nữa để người xem có thể nhìn cận cảnh gương mặt và nhất là ánh mắt của sĩ quan/binh lính Mỹ khi đặt chân lên một vùng đất lạ đầy bất trắc lành ít dữ nhiều đối với quân viễn chinh xâm lược - có thể có nhiều gương mặt/ánh mắt hầm hè nhưng chắc cũng có không ít gương mặt/ánh mắt hồi hộp - mà không chừng càng hầm hè càng chứng tỏ đang rất hồi hộp thậm chí đang rất lo âu.

Hồi hộp lo âu đến mức tướng Frederick J. Karch hôm ấy cười không nổi khi được một nữ sinh quàng hoa lên cổ theo nghi thức của lễ tân ngoại giao… Nên chăng Bảo tàng Đà Nẵng cần xem cuộc triển lãm lần này chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình mới nhằm nỗ lực tìm kiếm bổ sung làm phong phú số lượng ảnh tư liệu và hiện vật ở cả ba phần “Khởi đầu từ Red Beach Two...”, “Đà Nẵng kiên cường chống Mỹ”, “Quá khứ và hiện tại”.  


                                             (Còn nữa)   
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Dẫn theo Lưu Anh Rô trong Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng”, Liên Chiểu, tháng 3-1965.

.