Chính trị - Xã hội

Giữ gìn mỹ quan đô thị

Bài cuối: Trả lại lòng lề đường: bài toán khó

07:48, 11/03/2015 (GMT+7)

Lập lại trật tự đô thị, quản lý, sử dụng vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm thành phố đã có bước chuyển tích cực, đặc biệt ở các tuyến đường Lê Duẩn, Bạch Đằng, Trần Phú... Song, còn khá nhiều con đường nhếch nhác, lộn xộn cần được chỉnh trang ngay để trả lại bộ mặt khang trang cho thành phố.

Tình trạng hàng rong bán dưới lòng lề đường, gây cản trở giao thông tại chợ Tam Giác (cũ).
Tình trạng hàng rong bán dưới lòng lề đường, gây cản trở giao thông tại chợ Tam Giác (cũ).

Dấu hiệu tích cực

Thời gian qua, người dân Đà Nẵng và du khách khá ngỡ ngàng trước đổi thay tại đường Lê Duẩn (đoạn từ Trần Phú kéo dài đến Ông Ích Khiêm). Kể từ khi tuyến đường này trở thành phố chuyên doanh thời trang, các cửa hiệu đã ốp aluminium, trang trí đèn điện nhiều màu; tháo dỡ mái che, bạt gây mất mỹ quan đô thị. Vỉa hè thoáng đãng, sạch sẽ sau khi được tháo dỡ đường dây điện sinh hoạt, điện chiếu sáng và các bó cáp thông tin, trụ viễn thông; xe cộ được để ngay ngắn, đúng quy định; các ghế ngồi được đặt nơi công cộng để người dân và du khách dừng chân nghỉ ngơi…

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu phấn khởi cho biết, ngoài đường Lê Duẩn, các tuyến đường trọng điểm thuộc quận Hải Châu như: Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Phú… cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt; lòng lề đường đã được thông thoáng, các mái che di động được tháo dỡ; trật tự đô thị đã được thể hiện rõ nét trong ý thức chấp hành của các tổ chức, công dân tham gia kinh doanh tại các tuyến đường này. Thời gian tới, quận từng bước xây dựng các phố chuyên doanh khác như: phố điện tử - kỹ thuật số, phố dịch vụ du lịch, phố quà lưu niệm và tặng phẩm, phố chuyên doanh đồ gỗ gia dụng - nội thất, phố chuyên doanh cơ - kim khí…

“Có hình thành các tuyến phố kinh doanh mới từng bước xây dựng mỹ quan đô thị sạch đẹp, văn minh và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh buôn bán theo từng ngành nghề, lĩnh vực, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, không chèo kéo khách, không nói thách giá…”, ông Lê Anh nói.

Cũng là quận được chọn làm điểm trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Thanh Khê đẩy mạnh công tác làm đẹp cảnh quan đường phố; thực hiện tạo mảng xanh ở vỉa hè và bờ tường 8 tuyến đường: Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Lê Đình Lý, Lý Thái Tổ, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập. Đồng thời, quận đã phối hợp với các ngành chức năng chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm những tồn tại về trật tự, mỹ quan đô thị và giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, nhất là khu vực đường Điện Biên Phủ (đoạn công viên 29-3), Hà Huy Tập, Nguyễn Tất Thành.

“Đội quy tắc quận cùng tổ quy tắc, công an của 4 phường trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành gồm: Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, chia 3 ca, túc trực từ 4 giờ 30 sáng đến 22 giờ. Nhờ vậy, không còn tình trạng họp chợ, bán cá, bán hàng rong… tại nơi này”, ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội quy tắc quận Thanh Khê cho biết.

Còn nhiều tuyến phố cần chấn chỉnh

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chấn chỉnh trật tự tại nhiều tuyến phố chính là điều đáng quan tâm. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán, hàng rong di động vẫn khá phổ biến. Dạo quanh các tuyến đường Ông Ích Khiêm, Lý Thái Tổ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân…, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè để hàng hóa, biển hiệu; các quán ăn, cà-phê đặt bàn ghế, xe cộ tràn hết vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ. Ngay trước chợ Hàn, chợ Cồn, khu vực chợ Tam Giác (cũ), người bán hàng rong bán dưới lòng lề đường gây cản trở giao thông, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thế Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết, đường Ông Ích Khiêm nằm trên địa bàn 5 phường giáp ranh: Thạch Thang, Hải Châu 2, Thanh Bình (quận Hải Châu) và Tân Chính, Tam Thuận, Vĩnh Trung (quận Thanh Khê). UBND các phường đã có quy chế phối hợp trong việc giữ gìn trật tự vỉa hè. Mặc dù thường xuyên ra quân nhưng không thể dẹp hẳn được bởi khi không có lực lượng chức năng, họ lại bày bán như cũ.

“Nhất là khu vực chợ Tam Giác (cũ), rất khó dẹp bỏ vì đối tượng buôn gánh, bán bưng. Nhiều gia đình bám vào đó đã 3 đời, lại có hoàn cảnh rất khó khăn: mẹ già, con tâm thần, cả gia đình trông chờ vào gánh hàng rong đó. Chúng tôi chủ yếu đẩy đuổi và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng làm mất trật tự đô thị. Giải quyết như thế nào để không mất miếng cơm, manh áo của người nghèo vẫn là bài toán khó”, ông Sơn nói.

Theo nhiều ý kiến khác, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị là quy hoạch cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đường Lý Thái Tổ (quận Thanh Khê), lòng đường và vỉa hè bằng nhau, các hộ dân khu vực này chỉnh sửa trước nhà mỗi người theo mỗi kiểu: lót gạch, lót thảm cỏ… tạo cảnh quan lộn xộn, không đồng bộ.

Đội trưởng đội quy tắc quận Thanh Khê cho biết, cũng như nhiều tuyến đường khác, đường Lý Thái Tổ có nhiều hộ kinh doanh nhiều ngành nghề từ thời trang, xe cũ, bếp đất, trong khi diện tích vỉa hè quá nhỏ. Tổ chức ra quân dẹp bỏ không khó, nhưng có tình trạng tái lấn chiếm nên biện pháp chủ yếu là vận động người dân thực hiện tốt quy định.  

Một lãnh đạo quận Thanh Khê cho biết, đã nhận thấy điều này và lên kế hoạch chấn chỉnh trong thời gian sắp tới. Cần thiết phải nâng cấp vỉa hè sạch thoáng, kẻ vạch; dần dần hình thành các tuyến phố kinh doanh; từng bước tiến tới trả lại bộ mặt đẹp cho các con đường, xây dựng đô thị văn hóa, văn minh.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.