Chính trị - Xã hội

Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng

07:58, 11/03/2015 (GMT+7)

“Chị Viến ơi, có người vừa mất”, “Chị Viến ơi, nhà tôi khó khăn quá, có thể vay vốn không”, “Chị Viến ơi, ba tui bị ốm nặng”...

Chị Viến tuyên truyền về chính sách mới đến người dân trong tổ.
Chị Viến tuyên truyền về chính sách mới đến người dân trong tổ.

“Ai đau chứ bà Viến đau thì cả tổ mất nhờ, bởi có chuyện gì cũng gọi đến bà. Chỉ mong bà khỏe dài dài…”, một người dân trong tổ thổ lộ. Làm hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở tỉnh Quảng Nam rồi nghỉ chế độ và theo chồng về Đà Nẵng năm 1992, chị Trịnh Thị Viến được bà con bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ, rồi Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Thanh Bình, quận Hải Châu.

Hơn chục năm nay, người dân trong tổ quen với cái dáng tất bật của chị Viến. Khi thì gặp chị đi vận động thu tiền ủng hộ các cháu dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu…, lúc lại thấy chị đến thăm gia đình khó khăn. Có bận người ta thấy chị ra vào bệnh viện liên tục. Hóa ra, trong tổ có người ốm nhưng gia đình quá neo người, chị lại đến giúp. Nhà ông T. có con trai bỏ đi với đám bạn xấu, chị Viến phối hợp cùng gia đình đưa cháu về.

Cách đây vài năm, ông P. , một người dân trong tổ qua đời đột ngột trong lúc không còn vợ, con lại đi xa, chị cùng tổ dân phố đã đứng ra lo liệu thủ tục tang lễ… Chị Viến bảo, lúc đó, chị chỉ mong giúp người quá cố yên lòng khi nhắm mắt. Với chị, chỉ cần cái nắm tay thật chặt, hay nếu cần thiết thì những lời cảm ơn của gia đình cũng đã là quá đủ…

Sau khi tách tổ, chị Viến lại được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ 16 gồm 32 hộ với hơn 170 khẩu, trong đó phần lớn là cán bộ hưu, người buôn bán nhỏ với thu nhập bấp bênh. Bằng uy tín của mình, chị đã giúp nhiều hộ nghèo vay tín chấp.

“Vợ chồng tui bệnh tật liên miên, may nhờ cô Viến giúp đỡ, đề xuất cho vay mấy đợt nên giờ cuộc sống khá hơn”, ông Lê Phước Tường (65 tuổi), người dân trong tổ thổ lộ. Nhờ số tiền vay được, ông Tường mua xe đi thồ nên có đồng ra đồng vào. Với số tiền dành dụm cùng sự hỗ trợ của địa phương, ông còn sửa được căn nhà đã xuống cấp.

Phương châm sống của chị Viến là “Mình vì mọi người, làm được cho ai cái gì thì cố gắng hết sức làm”. Chị nói rằng, chị học Bác Hồ điều đó. 36 năm tuổi Đảng, chị luôn tâm niệm là người đảng viên phải gương mẫu trong lời nói và việc làm. “Những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ cần phải được tuyên truyền đến bà con thật nhanh và chính xác. Bởi vậy, tôi luôn lồng ghép trong các cuộc họp sao cho bà con dễ hiểu nhất”, chị thổ lộ.

Năm 2006, Nhà nước hóa giá khu tập thể chị Viến đang ở, chị chấp nhận nhượng 6m2 nhà để làm lối đi chung cho một số hộ, tiện cho việc hóa giá. Ban đầu, chồng con chị kịch liệt phản đối bởi theo họ thì “bỗng dưng mất diện tích đất, trong khi nhà ở chỉ có vài chục mét vuông và đây là thời buổi tấc đất tấc vàng?”. Thế nhưng, cuối cùng chị đã thuyết phục được gia đình. “Mình mất một ít để được cái chung thì tại sao không làm!”, chị Viến nói.

Những đường kiệt trên đường Thanh Thủy được bê-tông sạch, đẹp có công không nhỏ của chị Viến, từ chuyện kêu gọi các hộ tự nguyện đóng và xin kinh phí địa phương, v.v… Nhờ chị Viến tích cực tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, việc giữ gìn vệ sinh chung đã trở thành nếp của mỗi người dân trong tổ. “Chị Viến rất nhiệt tình với công việc. Khi có việc của tổ hoặc bà con trong tổ gặp khó khăn, chị đều đến ngay không kể đêm hôm hay mưa gió”, ông Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư chi bộ tổ 15 và 16 cho biết.

Nhiều năm liền chị Viến được khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và tổ dân phố 16 được bình bầu xuất sắc. Điều này là động lực để giúp chị càng cố gắng hơn.

Bài và ảnh: TÂM CHUYÊN

.