Chính trị - Xã hội

Văn minh đô thị gắn với đường thông, hè thoáng

07:33, 12/03/2015 (GMT+7)

Nếu xem vỉa hè là một phần của cảnh quan đô thị, thì văn hóa - văn minh đô thị phải gắn liền với “đường thông, hè thoáng”, đồng thời làm sao để cuộc mưu sinh của những người nghèo lấy vỉa hè làm điểm tựa không bị đứt gánh.

Vỉa hè bị chiếm dụng trên đường Cù Chính Lan.
Vỉa hè bị chiếm dụng trên đường Cù Chính Lan.

Khó xử lý triệt để

Theo báo cáo của Đội quy tắc đô thị (QTĐT) quận Hải Châu, tình trạng vi phạm trật tự vỉa hè bao gồm: đậu đỗ xe không đúng quy định; đặt bàn, ghế và các vật dụng khác để phục vụ kinh doanh… Năm 2014, Đội QTĐT đã nhắc nhở, buộc không tái phạm đối với 6.659 trường hợp; lập biên bản và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 5.978 trường hợp, với số tiền trên 2,1 tỷ đồng; xử lý 21 trường hợp buôn bán hàng rong dưới lòng đường bằng xe đẩy, xe máy và xe đạp. Riêng tháng 2-2015, qua kiểm tra đã phát hiện 250 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 136 trường hợp, buộc cam kết không tái phạm 15 trường hợp.

Đối với quận Thanh Khê, các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập và Nguyễn Tất Thành, tình trạng vi phạm trật tự vỉa hè nhức nhối nhất. Năm 2014, Đội QTĐT quận đã xử lý 67 trường hợp vi phạm, tạm giữ 36 xe gắn máy để sai quy định, thu giữ 32 bảng hiệu, 7 cây dù, 11 bộ bàn ghế, 2 kệ bán hàng trên đường Điện Biên Phủ; tham mưu, xử lý 371 trường hợp vi phạm và phạt tiền 71,9 triệu đồng trên đường Hà Huy Tập.

Riêng tuyến đường Nguyễn Tất Thành, tình trạng buôn bán cá trên vỉa hè vẫn diễn ra hằng ngày. Lực lượng chức năng thường xuyên đẩy đuổi từ chợ “chạy” (bán trên đường, gặp lực lượng chức năng thì chạy) đã chuyển sang chợ “núp” (bán dưới bờ biển, núp dưới kè chắn sóng).

Ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng QTĐT quận Thanh Khê, cho biết rất khó xử lý triệt để các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Trường hợp một số người bán cá trên đường Nguyễn Tất Thành, nhiều khi đội cử người đẩy đuổi còn bị các đối tượng (chủ yếu là các chủ ghe đánh cá gần bờ) cự cãi và chống trả quyết liệt, làm anh em chùn tay.

Đối với quận Cẩm Lệ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn xảy ra đều đặn, song có phần “nhẹ” hơn so với các quận nội thị như Hải Châu và Thanh Khê. Hầu hết lỗi vi phạm xuất phát từ các nguyên nhân: nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của một bộ phận dân cư chưa cao; tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ phương tiện tham gia giao thông không đúng quy định còn diễn ra ở nhiều tuyến đường khi thiếu vắng lực lượng chức năng; các mô hình, phong trào vận động dân cư, tổ dân phố chưa đi vào chiều sâu, chưa được duy trì thường xuyên dẫn đến chất lượng, hiệu quả còn thấp. Mặt khác, lực lượng QTĐT chưa đề cao tính tự giác, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ.

Không để ảnh hưởng mỹ quan đô thị

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, việc tồn tại “kinh tế vỉa hè” là điều tất yếu ở một đô thị phát triển. Bài toán giữa quy hoạch đô thị và nhu cầu cuộc sống (hoạt động “kinh tế vỉa hè”) cần được giải quyết hài hòa, phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, việc quản lý trật tự đô thị hiện nay gặp một số mâu thuẫn khó giải quyết. Trong khi lực lượng chức năng gồm các đội quy tắc đô thị, công an ra sức dẹp bỏ tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, thì các hội, đoàn thể thường giải bài toán mưu sinh cho hộ nghèo bằng cách hỗ trợ phương tiện kiếm sống như xe đẩy hàng, máy bơm hơi xe đạp, xe máy - đối tượng chính thường xuyên vi phạm trật tự vỉa hè, lòng đường. Ông Cường chia sẻ, không thể triệt xóa hoàn toàn “kinh tế vỉa hè” vì nó đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhiều người nghèo bấu víu vỉa hè để kiếm sống.

Cùng quan điểm này, các ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội QTĐT quận Hải Châu; ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội QTĐT quận Thanh Khê và ông Phạm Lược, Đội trưởng Đội QTĐT quận Cẩm Lệ đều cho biết không thể xóa bỏ “kinh tế vỉa hè”. Tuy nhiên, đứng ở góc độ đơn vị quản lý, các ông cho rằng không thể vì cuộc mưu sinh của số người nghèo nói trên mà để vỉa hè, lòng đường nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Vấn đề là giải pháp nào hợp lý nhất, thỏa mãn các điều kiện chủ quan (trật tự vỉa hè) và khách quan (kinh tế vỉa hè); xác định rõ không gian vỉa hè được coi là một phần bộ mặt cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh, phát triển của một thành phố.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, cần phải quy hoạch, phân loại các khu vực vỉa hè trong đô thị như: có khu vực vỉa hè tuyệt đối không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè và có biện pháp xử lý chế tài rất nặng, ưu tiên hoàn toàn cho khách bộ hành và cây xanh, cảnh quan; có khu vực vỉa hè cho phép bố trí hoạt động kinh tế nhỏ (như quầy sách báo, điểm vá xe, nơi bán hàng rong…), đậu xe máy (trường hợp vỉa hè lớn) với quy định và hướng dẫn rõ ràng về tổ chức mặt bằng, không gian, đồng thời có chế tài cụ thể về kinh tế, tài chính (thuế, phí sử dụng vỉa hè…), như quận Hải Châu đang làm thí điểm tuyến phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn và kẻ vạch vỉa hè nhiều tuyến đường.

“Xây dựng văn hóa, văn minh đô thị nhất thiết phải sắp xếp lại kinh tế vỉa hè. Vấn đề là phải có hình thức sắp xếp phù hợp, xem xét những đối tượng thực sự cần thiết trong hoạt động “kinh tế vỉa hè”; quá trình quy hoạch, sắp xếp phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm để làm sao vẫn giữ được nét riêng của “kinh tế vỉa hè””, ông An nói.

Thành phố Đà Nẵng xác định năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Theo đó, xây dựng nhiều tuyến đường văn minh, vỉa hè thông thoáng, giữ được nét riêng của hoạt động “kinh tế vỉa hè” cũng như tạo được “văn hóa ẩm thực vỉa hè” là nhiệm vụ không chỉ của cơ quan chức năng mà của cả hệ thống chính trị, của từng người dân, và phải bắt đầu từ ý thức.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.