Chính trị - Xã hội

Nỗi nhớ Hoàng Sa

07:48, 11/03/2015 (GMT+7)

Trong những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cúc, trú đường Trần Thanh Mại, quận Sơn Trà - người đã từng 3 lần cùng đoàn khảo sát có mặt ở đảo Hoàng Sa trước năm 1975 -lòng như lửa đốt.

Ngày nào ông cũng ra biển hướng về phía Hoàng Sa, nơi  những đồng đội ông đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Cúc và những tấm ảnh ở đảo Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Văn Cúc và những tấm ảnh ở đảo Hoàng Sa.

Lật những chiếc ảnh cũ của mình về những ngày ở Hoàng Sa cùng những tư liệu nói về đảo, ông Cúc chậm rãi kể: “Tôi sinh năm 1952 ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà ngày nay. Sau khi nhập ngũ, tôi được điều về Liên đoàn 8 Công binh kiến tạo thuộc Tiểu đoàn 81, Đại đội 812. Đảo Hoàng Sa trước năm 1975 luôn có 1 Trung đội Địa phương quân của Việt Nam Cộng hòa canh giữ. Ngoài lực lượng quân đội, trên đảo còn có những nhân viên làm nhiệm vụ dự báo thời tiết để báo về đất liền”.

Ông Cúc cho biết, vào khoảng cuối năm 1973, lần thứ 3 ông được điều ra đảo làm nhiệm vụ khảo sát lấy đất để nghiên cứu xây dựng các công trình quân sự và sửa chữa bể nước sinh hoạt (xây dựng từ thời Pháp thuộc) phục vụ cho Trung đội Địa phương quân và những người làm nhiệm vụ dự báo thời tiết trên đảo Hoàng Sa. Khi tàu chuẩn bị quay về đất liền thì xuất hiện tàu chiến, tàu ngư dân giả dạng được trang bị vũ trang của Trung Quốc liên tục khiêu khích và tiến vào các đảo ở Hoàng Sa. Trận chiến khốc liệt xảy ra. Tàu của Trung Quốc đông về số lượng và lớn hơn các tàu hải quân thuộc biên chế của Việt Nam Cộng hòa.

Thế nhưng, các tàu hải quân mang tên Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư… đã anh dũng chống cự quyết liệt để bảo vệ đảo. Trận chiến không cân sức đã dẫn đến nhiều chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tử nạn, quân Trung Quốc tràn vào chiếm đảo Hoàng Sa…

Ông Cúc cùng một số sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, trong đó có một người Mỹ và các nhân viên khí tượng bị Trung Quốc bắt giữ đưa về giam tại đảo Hải Nam, sau đó được đưa tới Hồng Kông và được trao trả về nước. Ngày ông và những người bị bắt được đưa về Sài Gòn, người dân chào đón như người thân trong gia đình và được ngợi ca như những người anh hùng chống giặc ngoại xâm…

Ông Cúc tâm sự, nghe phía Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta và hoạt động thăm dò khoáng sản trái phép, lòng ông sục sôi căm thù. Bởi lẽ, Biển Đông của đất nước, nơi hàng chục đồng đội ông đã ngã xuống để bảo vệ, cho đến nay nhiều người vẫn chưa tìm ra xác thì những người như ông làm sao có thể sống yên khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị nước ngoài đe dọa lấn chiếm. Nếu Tổ quốc kêu gọi, cho dù là tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn sẵn sàng xung phong lên đường để bảo vệ Tổ quốc như những đồng đội của ông hơn 40 năm về trước đã làm…

Ông cho rằng mình thật sự may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa. Nhiều người ngã xuống đã chưa biết đến hạnh phúc gia đình là gì. Nhiều người bỏ lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ ở quê nhà. Với ông, gia đình thật sự hạnh phúc. Ông Cúc hiện có 4 người con và 6 cháu nội, ngoại. Ông Cúc luôn căn dặn con, cháu là không bao giờ được quên Hoàng Sa, quên Hoàng Sa là có tội với Tổ quốc, với cha ông, trong đó có ông.

Ông cũng mong thế hệ trẻ hãy luôn hướng về Hoàng Sa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam; đời này không đòi được thì đời sau phải đòi cho bằng được. Và ông cũng luôn trăn trở và mong muốn một điều, những người lính dù là bên này hoặc bên kia chiến tuyến đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu thì đều là những người xứng đáng được tôn vinh trong lòng dân tộc…

Ngày tháng trôi qua, sống giữa lòng đô thị nhưng ông Cúc lúc nào cũng ngóng về Hoàng Sa thân yêu. Hoàng Sa, nơi ông đã nhiều lần đặt chân đến và mãi mãi không phai nhòa ký ức trong ông. Ông ước gì trước khi nhắm mắt từ biệt cõi đời này, ông lại được đặt chân đến Hoàng Sa một lần nữa để thắp cho đồng đội nén hương, thăm lại vùng đảo đẹp như tranh của đất nước. Nỗi nhớ Hoàng Sa trong lòng ông không bao giờ nguôi.

Mỗi tối đặt lưng đi nằm ông lại nhớ về Hoàng Sa, nhớ về đồng đội, những người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã ngã xuống vì sự trường tồn của quê hương, đất nước. Ông vẫn mơ thấy những chiếc tàu hải quân bốc cháy giữa biển khơi nhưng những người lính vẫn không rời tàu, cùng tàu xông thẳng về phía quân thù. Trong giấc mơ ông vẫn thường nghe thấy những đồng đội gọi tên ông với những lời nhắn nhủ: “Cúc và nhân dân đừng quên chúng mình nhé. Mình nằm đây dưới lòng biển khơi giữa Hoàng Sa và mãi giữ Hoàng Sa và mong những người Việt Nam hiện diện bằng xương bằng thịt trên đảo Hoàng Sa vào một ngày nào đó như thuở chúng mình đã sống làm việc và chiến đấu ở Hoàng Sa”.

40 năm đất nước thống nhất nhưng niềm vui của ông Cúc và những người Việt Nam vẫn chưa trọn vẹn bởi Hoàng Sa vẫn còn bị nước ngoài chiếm đoạt trái phép. Bao giờ Hoàng Sa trở về với Việt Nam? Bao giờ lá cờ Tổ quốc hiện hữu nơi biên cương đảo xa phía Đông của đất nước? Chắc chắn rằng nỗi trăn trở và trách nhiệm nặng nề đó không phải của riêng ai…

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

.