1.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Biển Đông là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới.
Biển Đông là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,447 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3 độ Bắc đến 26 độ Bắc (chiều dài khoảng 1.900 hải lý) và từ kinh độ 100 độ Đông đến 121 độ Đông (nơi rộng nhất của Biển Đông không quá 600 hải lý). Biển Đông là biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia (gồm Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan).
Xuồng chuyển tải đưa phóng viên vào nhà giàn. Ảnh: CAO KHÔI |
Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, bởi vậy, Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Hằng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.
Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Cùng với đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản). Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.
Với vai trò và vị trí địa lý quan trọng đó, Biển Đông là nơi hiện diện hầu như tất cả các vấn đề được quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982 như: Quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia không có biển, các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, khai thác chung, phân định biển, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, vấn đề về biển kín, biển nửa kín, eo biển quốc tế, đàn cá di cư và đàn cá xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn,…
Việc mở rộng phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông căn cứ theo Công ước Luật Biển 1982 đã dẫn đến việc hình thành các khu vực chồng lấn và tranh chấp về tài nguyên nghề cá, dầu khí, khoáng sản, xây dựng và lắp đặt các công trình biển,…
Thực tế, Biển Đông có nhiều tranh chấp liên quan đến phân định biển, đặc biệt nổi lên là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo liên quan đến nhiều quốc gia rất phức tạp. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia ven Biển Đông, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia khác, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển trong khu vực.
Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông có chiều dài bờ biển khoảng 3.260km, trải qua 16 vĩ độ (giữa vĩ tuyến 7 độ Bắc và vĩ tuyến 23 độ Bắc). Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng…đối với Việt Nam.
Theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam có quyền mở rộng các vùng biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) thuộc quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực tế Việt Nam đã thực hiện quyền này bằng các tuyên bố pháp lý chính thức và bằng việc ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012. Các văn bản pháp lý này tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao vị thế của mình trong khu vực, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải biển, du lịch biển, khai thác tài nguyên biển… Hầu hết các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đều đi qua các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam là điều kiện để Việt Nam phát triển dịch vụ cảng biển, hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, cũng chính từ các quy định tiến bộ của Luật Biển quốc tế hiện đại với những khái niệm mới về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã làm xuất hiện nhiều vùng biển chồng lấn cần phải tiến hành phân định. Các quốc gia trước kia không có chung đường biên giới nay lại trở thành các nước láng giềng trên biển. Những quy định mới này cũng khiến Việt Nam đứng trước nhiều thách thức: Vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vấn đề phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước Luật Biển năm 1982 và vấn đề xác định ranh giới ngoài thềm lục địa.
Ngoài các thỏa thuận phân định biển quan trọng mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, Việt Nam còn phải giải quyết rất nhiều các tranh chấp phức tạp trên biển, không chỉ là tranh chấp về phân định các vùng biển chồng lấn mà còn phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xem triển lãm chủ quyền Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
2.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí của Biển Đông, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, trong thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước nói chung và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng trên Biển Đông.
Trong đó, nhiều báo Đảng địa phương đặt công tác tuyên truyền này trong nhận thức và vị trí quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đó không chỉ là việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về chủ quyền biển, đảo mà còn nói lên tiếng lòng yêu nước của đông đảo nhân dân, thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường dân tộc trong tình hình mới. Báo chí đã có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận; vừa đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức, định hướng hành động của bạn đọc, của công chúng về chủ quyền Việt Nam.
Chính vì vậy, dù là cơ quan ngôn luận của một tỉnh, thành phố hay ngành, đoàn thể; dù là địa phương có vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam hay ở trong vùng nội địa…, tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam luôn hiện diện một cách thống nhất trên mỗi tờ báo và luôn được các cơ quan báo chí đẩy mạnh thực hiện. Bởi ở đó có một sự thống nhất về chủ quyền, có sự thống nhất về ý chí và hành động.
Đặc biệt, trong tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phức tạp; khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kéo theo những hành động ngang ngược, tàn bạo, vô nhân đạo… tấn công, uy hiếp lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam…, thì các cơ quan báo chí của Việt Nam và cả quốc tế theo dõi, tuyên truyền, lên án các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm tinh thần nhân đạo.
Hàng loạt cơ quan báo chí, trong đó có báo Đảng địa phương đã cử phóng viên trực tiếp bám theo tàu của lực lượng chấp pháp và ngư dân đến tác nghiệp ngay trên vùng biển Hoàng Sa để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc ra khỏi vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí tuyên truyền nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc và người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế chung tay góp sức, lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, động viên lực lượng chấp pháp và ngư dân của Việt Nam yên tâm thực thi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Báo chí đã góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, danh nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để phá hoại đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3.
Qua đó, có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, báo chí nói chung và các báo Đảng địa phương nói riêng đã góp tiếng nói quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; khơi dậy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, tương thân tương ái mạnh mẽ của đông đảo tầng lớp nhân dân trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; trong đó có chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Vì vậy, trong tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và ngày càng leo thang của một số bên có chủ quyền trên Biển Đông, tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 5 (vòng IV), là đơn vị đăng cai, Báo Đà Nẵng quyết định chủ đề hội thảo này là “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 19 báo Đảng địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng như sự tham gia tích cực của 28 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Sự tham gia tích cực, đầy tình cảm và trách nhiệm đó một lần nữa khẳng định tinh thần của các lãnh đạo cơ quan báo chí và mỗi cơ quan báo Đảng trong việc tuyên truyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với tinh thần yêu nước, trách nhiệm với từng mảnh đất chủ quyền thiêng liêng của đất nước, các tham luận và ý kiến tham gia của đại biểu tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 5 (vòng IV) cần tập trung làm rõ những vấn đề sau đây:
Khẳng định rõ vai trò, vị trí của báo Đảng địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Đánh giá nhận thức và kết quả tuyên truyền của báo Đảng địa phương trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; trong đó cần đánh giá đầy đủ tác động về nhận thức đối với độc giả, vai trò định hướng dư luận của báo Đảng trong tuyên truyền chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Đánh giá khách quan và đầy đủ, toàn diện về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tuyên truyền. Rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến mỗi địa phương; từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Đưa ra nhận định dự báo tình hình và phương hướng, nhiệm vụ của báo Đảng trong việc tiếp tục tuyên truyền, góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, nhất là trong bối cảnh, tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Trên tinh thần trách nhiệm và nhất là tình yêu với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta hy vọng rằng hội thảo sẽ nhận được ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm và có giá trị của các quý vị đại biểu; để từ đó chúng ta tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền trên báo Đảng về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, góp phần tạo chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội.