Chính trị - Xã hội
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Bài cuối: Tiến vào trung tâm Sài Gòn
Sau khi tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, hai sư đoàn 316 và 320 được giao nhiệm vụ tiếp tục truy quét các đơn vị còn lại và tàn quân của Sư đoàn 25 ngụy, giải phóng Củ Chi, Hóc Môn và tỉnh Tây Ninh.
Căn cứ Đồng Dù bị tiêu diệt, tuyến phòng thủ vòng ngoài vững chắc của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bị phá vỡ, tạo điều kiện để cánh quân của Quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm các mục tiêu Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Trong khi Sư đoàn 320 đánh căn cứ Đồng Dù, 5 giờ 30 ngày 29-4-1975, từ vị trí tập kết ở Củ Chi, Sư đoàn 10 được tăng cường Trung đoàn 64 (từ Sư đoàn 320A), Trung đoàn xe tăng 273, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn phòng không 234 đã chia thành hai hướng, mở cuộc tấn công từ Củ Chi vào Liên đoàn 9 biệt động quân và hai liên đoàn bảo an tại Hậu Nghĩa, thực hiện nhiệm vụ thọc sâu để đánh chiếm các mục tiêu đã phân công. Trước lúc hành quân, bộ đội được phổ biến phương án tiến đánh các mục tiêu theo hai mũi các đường 1 và đường 15. Song, vì cầu Kênh Sáng trên đường 15 bị sập, nên quân ta qua cầu Bông, tiến về Hóc Môn và Trung tâm huấn luyện Quang Trung, sau đó tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh không quân, ngụy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân ngụy, Bộ Tư lệnh quân dù ngụy và khu truyền tin. Quân địch chống cự rất ác liệt nhằm ngăn chặn thế tấn công của bộ đội ta.
Trên đoạn đường từ Hóc Môn đến ngã tư Bảy Hiền, quân địch thiết lập các cụm đề kháng trên các nhà cao tầng để bắn vào đội hình của ta. Các đơn vị phòng không không chỉ có nhiệm vụ đánh phản kích máy bay, bảo vệ bộ binh mà còn được lệnh tiêu diệt các ổ đề kháng của địch bố trí trên các nhà cao tầng hai bên đường hòng ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta. Đại đội 1, đơn vị Anh hùng LLVTND thuộc Trung đoàn phòng không 234 đã bắn rơi một máy bay L19 trên hè phố Lê Thánh Tông. Được biết, đây là chiếc máy bay cuối cùng của quân ngụy bị lực lượng phòng không ta bắn rơi khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước(1).
Tại khu vực ngã tư Bảy Hiền, một tiểu đoàn biệt động quân, một tiểu đoàn bảo an và một chi đoàn thiết giáp ngụy tổ chức chống cự nhưng bị mũi tiến công của Sư đoàn 10 Quân đội nhân dân Việt Nam đánh tan sau 3 đợt phản kích. Đến 21 giờ 30 ngày 29-4-1975, quân ta chiếm ngã tư Bảy Hiền, tiến sát cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất. Thắng lợi này đã mở toang cánh cửa hướng Tây Bắc Sài Gòn.
7 giờ ngày 30-4-1975, Sư đoàn 10 bằng hai mũi tấn công: Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 đánh thẳng vào Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu ngụy. 9 giờ, Trung đoàn 24 với sự dẫn đầu của nữ biệt động Nguyễn Thị Trung Tiên đánh chiếm Sở Chỉ huy không quân và Sư đoàn 5 không quân ngụy, bắt sống 3 đại tá. Đến 10 giờ 30 đã tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất qua hai cổng 4, 5 và hầu như đã chiếm trọn sân bay Tân Sơn Nhất, khu ra-đa điều hành không lưu, Sở chỉ huy Sư đoàn 5 không quân, Sở chỉ huy Sư đoàn dù, bắt liên lạc với hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại trại David.
11 giờ 30, Trung đoàn 24 chiếm toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 phối hợp đơn vị bạn chiếm Sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu của quân lực VNCH. Cánh quân của Sư đoàn 10 với nhiệm vụ thọc sâu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Như vậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hòa chung với khí thế hừng hực tiến công và nổi dậy của dân tộc ta, khi 5 cánh quân của ta đang tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn, Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên, được mệnh danh là “Quả đấm thép” đảm nhận mũi tiến công thứ 3 trong 5 mũi tiến công của quân ta với nhiệm vụ đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TRƯƠNG MINH DỤC
(1) Theo Anh Vương: 50 năm… dấu ấn một chặng đường 234, http//w.w.w.Hà Nội ngày nay, cập nhật 30-4-2013 //Chuyên mục: Hồ sơ tư liệu, Tiêu điểm, Vấn đề hôm nay.