Chính trị - Xã hội
Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Đầu năm 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã chủ động triển khai lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia trên các khu vực biên giới, vùng biển, đảo của đất nước đã được giải phóng.
Từ ngày 5-4 đến ngày 11-5-1975, trên 200 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Bình đã được giao nhiệm vụ chi viện cho tỉnh Quảng Đà. Ban Chỉ huy An ninh vũ trang Đặc khu Quảng Đà được thành lập, có các đơn vị trực thuộc là các đồn, trạm an ninh vũ trang tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, cửa khẩu cảng, sân bay.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm và kiểm tra Bộ đội Biên phòng thành phố. Ảnh: Bá Vĩnh |
Sau khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã triển khai công tác bảo vệ biên giới, vùng biển; nghiên cứu, khảo sát địa bàn xây dựng đồn, trạm Biên phòng; tổ chức huấn luyện các phân đội chi viện cho phía trước theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh CANDVT; chốt giữ các vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân địch, bảo vệ các cơ quan đầu não, các mục tiêu quan trọng; tổ chức lực lượng lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Lào và Campuchia bảo vệ địa bàn, củng cố chính quyền, giữ gìn trật tự an ninh xã hội khu vực biên giới; phối hợp với các lực lượng tiến hành phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào...
Tháng 11-1996, kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa IX phê chuẩn việc tách và thành lập lại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, theo đó tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ngày 1-1-1997, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 2444/QĐ của Bộ Quốc phòng.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của BĐBP Quảng Nam-Đà Nẵng, hơn 18 năm qua (1997-2015), cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng đã quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc; ra sức thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
BĐBP thành phố chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới vùng biển với nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội; chăm lo xây dựng, củng cố chính trị cơ sở, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống dân sinh, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh; tích cực tham gia công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng trên địa bàn thành phố.
Thành tích và những chiến công mà BĐBP thành phố Đà Nẵng đạt được trong 40 năm qua là nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng; chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên; phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, giúp đỡ của các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn; sự tin yêu đùm bọc của bà con nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng anh hùng.
Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung của thế giới; khu vực Đông Nam Á cơ bản ổn định, song bị tác động bởi sự can dự và điều chỉnh chiến lược của các nước lớn. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”; nhất là trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tình hình đó đặt ra cho công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN rất nặng nề và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; đặc biệt cần triển khai thực hiện tốt 5 nội dung của “Ngày Biên phòng toàn dân” (ngày 3-3 hằng năm).
Trước hết, BĐBP thành phố cần phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên khu vực biên giới biển thành phố, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu và trực tiếp xử lý tốt các tình huống xảy ra trên biển và khu vực biên giới biển thành phố đúng chủ trương, đường lối của Đảng, không để bị động, bất ngờ hoặc nảy sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các ngành, các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Hai là, xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch vững mạnh, có năng lực toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP, học tập tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; bảo đảm cho BĐBP thành phố luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ba là, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác huấn luyện; đổi mới phong trào thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động... làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn coi cơ quan, đơn vị thực sự là nhà, địa bàn biên phòng, biển đảo là quê hương.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng, các cấp, các ngành tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; tham gia cùng các địa phương phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, nâng cao công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân.
Năm là, hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân (ngày 3-3), tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố và các địa phương tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm những mô hình, chương trình, dự án và đề ra chương trình, mô hình mới thực hiện hiệu quả hơn; đồng thời nhân rộng, khen thưởng động viên kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình để tạo phong trào mới, xây dựng thế trận biên phòng gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Căn cứ quá trình hình thành và phát triển của lực lượng, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ, ngày 2-3-2009, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có Quyết định số 288/QĐ-BTL về việc công nhận ngày 5-4-1975 là Ngày truyền thống của BĐBP thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1997 đến nay, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, 1 đơn vị trực thuộc được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 1 đơn vị trực thuộc được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Ngoài ra, có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được các ngành, các cấp khen thưởng trên các lĩnh vực công tác. |
Đại tá LÊ VĂN PHÚC
Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng