.

Mua thuốc dễ quá!

.

Mua thuốc không cần toa, mua càng nhiều… càng tốt đã là vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Cơ quan chức năng cũng thừa nhận bắt quả tang quá dễ, có điều là bắt không xuể! Hơn nữa, giải quyết từng vụ việc nhỏ lẻ không thể mang lại sự thay đổi đáng kể đối với tình trạng mua, bán thuốc như hiện nay.

Có người cho rằng, vì các tiệm thuốc chạy theo lợi nhuận nên bất chấp luật pháp và sức khỏe người bệnh. Phải chi nhà thuốc nào cũng tuân thủ việc bán thuốc theo toa thì người bệnh không thể mua vô tội vạ.

Có người lại nói, do ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc. Khi nào người bệnh còn tự chẩn bệnh rồi tự mua thuốc thì tình trạng mua, bán thuốc không kê toa khó mà chấm hết.

Tất cả quan điểm này đều không sai, nhưng trông chờ vào ý thức của người mua, kẻ bán thì có lẽ chẳng biết đến bao giờ hoạt động mua, bán thuốc mới đi vào khuôn phép. Và trên hết, sức khỏe của mọi người cứ thế sẽ tiếp tục bị chính họ, chính người bán thuốc và chính cơ quan kiểm soát góp phần để… mất kiểm soát.

Thử hỏi, có nhà thuốc nào muốn “tuột” mất khách hàng của mình. Nếu tiệm thuốc từ chối bán cho khách không mang theo toa, vô tình họ đã “nhường” khách cho tiệm khác. Bởi có một thực tế không thể phủ nhận, “pharmacy này không đồng ý bán, pharmacy khác sẽ bán thôi”.

Vậy nếu đợi nhà thuốc có ý thức chấp hành các nguyên tắc kinh doanh dược, chắc phải đợi đến lúc ý-thức-đồng-bộ. Tức chờ đến lúc tất cả các nhà thuốc tăm tắp tuân thủ như nhau (!?).

Chẳng lẽ nếu nhà thuốc không hoạt động đúng nguyên tắc và người bệnh không có ý thức tốt thì việc quản lý mua, bán thuốc đành bó tay hay sao?

Vấn đề ở đây, nếu có công cụ quản lý hiệu quả, tự khắc người bán thuốc và người mua thuốc dù có muốn “vô ý thức” cũng khó mà làm được.

Một cán bộ quản lý hoạt động dược trên địa bàn Đà Nẵng thành thật chia sẻ: Chưa biết làm cách nào để giải quyết tận gốc chuyện mua, bán thuốc không kê đơn, bởi không có công cụ xử lý.

Công cụ ở đây là một hệ thống giám sát thông minh, kết nối tất cả các thông tin “nhất cử nhất động” của từng nhà thuốc và giữa các nhà thuốc với nhau. Cán bộ y tế này dẫn chứng ở nhiều nước, bệnh nhân không thể mua thuốc nếu thiếu toa là chuyện hiển nhiên. Ngay cả khi người bệnh có toa, họ cũng không thể mang toa đó đi mua ở nhiều nơi cùng thời điểm, bởi các nhà thuốc đều biết toa đó vừa được nơi nào tiếp nhận.

Nhìn lại việc mua, bán thuốc ở ta, ai mua và mua gì, ai bán và bán gì, đều mù mù tăm tăm, không trách sự “vô tư” mua bán trở thành vấn đề muôn thuở.

Thiếu công cụ đồng bộ, thông minh là một nguyên nhân lý giải sự bất lực của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khó mà thuyết phục nếu nói rằng, vì không có đủ phương tiện kiểm soát nên các nhà thuốc nhờ thế tự do một cách thái quá và người bệnh thoải mái uống thuốc như nhai kẹo!

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.