Chính trị - Xã hội

Sửa đổi cơ chế, chính sách vốn cho các dự án trọng điểm

07:45, 22/04/2015 (GMT+7)

Sáng 21-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huỳnh Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã có nhiều kết quả tích cực như: Nghị quyết đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có sự chỉ đạo kịp thời, tạo ra những chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng từ nhận thức đến hành động cụ thể.

Nhiều đề án quy hoạch và xây dựng cơ chế chính sách cụ thể được rà soát điều chỉnh theo lộ trình đề ra trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết với mục tiêu nâng cao tính khả thi, đồng bộ và hiện đại; các công trình kết cấu hạ tầng đã từng bước hiện đại và bảo đảm kết nối đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các vùng lãnh thổ cũng như trên phạm vi cả nước…

Đại biểu từ các điểm cầu bày tỏ hy vọng, Quốc hội tiếp tục ưu tiên và sửa đổi cơ chế, chính sách để bố trí vốn cho các dự án công trình trọng điểm, nhất là các dự án quan trọng, sớm có chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để cấp vốn kịp thời cho các dự án quan trọng trong giai đoạn này. Chính phủ chỉ đạo các bộ sớm hoàn thành việc xây dựng các luật, quy hoạch, đề án đã được nêu trong nghị quyết để làm căn cứ cho các địa phương triển khai việc xây dựng quy hoạch, đề án của địa phương và triển khai các dự án cụ thể.

Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt Luật Đầu tư công, bố trí ngân sách theo từng kế hoạch 5 năm và hằng năm để bảo đảm vốn đối ứng các dự án ODA và tham gia các dự án PPP, BOT đối với các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang phải giãn tiến độ và một số dự án trọng điểm, cấp bách…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì Đề án giải phóng mặt bằng, trong đó phải giải quyết được những vướng mắc đặt ra trong công tác này.

Để tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách; yêu cầu đặt ra là phải rà soát, tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực.

Đồng thời, tiến hành rà soát, tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục để làm sao trong công tác đầu tư huy động vốn ngoài xã hội được nhiều hơn, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được, trước hết là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, đảm bảo cho chất lượng công trình tốt hơn, không để xảy ra tiêu cực… Cùng với đó là phải khắc phục cho được những hạn chế trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; tiếp tục hoàn thiện, cập nhật quy hoạch, đảm bảo chất lượng quy hoạch.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quản lý thật chặt chẽ vốn đầu tư công; coi việc thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư cho kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong hoàn thiện thể chế, cân đối, tính toán, huy động các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng.

MAI TRANG - B.T

.