Chính trị - Xã hội

Thiếu chứng nhận nghề: Người lao động chịu thiệt

07:45, 22/04/2015 (GMT+7)

Nhiều lao động có tay nghề và kinh nghiệm nhưng vẫn chưa có bằng cấp, chứng chỉ về nghề. Điều này khiến người lao động gặp khó nếu thay đổi nơi làm việc.

Có chứng chỉ kỹ năng nghề, người lao động dễ tìm việc với chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Có chứng chỉ kỹ năng nghề, người lao động dễ tìm việc với chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Làm đến đâu hay đến đó

Hiện nay, số lượng công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông có nghề đang làm việc trên địa bàn Đà Nẵng rất nhiều nhưng chưa có bằng cấp và thiếu một số kỹ năng; chưa qua lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ công nhận. Vì vậy, dù làm việc lâu năm nhưng họ chưa được hưởng mức thù lao xứng đáng.

“Làm công nhân may 4 năm, lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, dù vất vả nhưng tìm một chỗ khác thì phải làm lại từ đầu nên tôi không dám nghỉ việc. Từ khi đi làm đến nay, tôi đâu có chứng chỉ gì. Thôi thì làm đến đâu hay đến đó”, chị Lê Thị Thu Trang (31 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam), công nhân may ở khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ. Chị Trang cho biết, nếu được đánh giá tay nghề và có chứng chỉ nghề, chị sẵn sàng tham gia thi.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều lao động vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của chứng chỉ kỹ năng nghề. Ông Trần Phước Phú, Giám đốc Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề (Trường CĐ nghề Đà Nẵng) cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động người lao động tham gia thi kỹ năng nghề may cấp quốc gia. Chi phí được Tổng Cục dạy nghề hỗ trợ, vậy mà họ chưa muốn tham gia. Có người còn sợ mất một ngày công khi tham gia kỳ thi”.

Bởi vậy, hiện tại, trung tâm chỉ tổ chức các kỳ thi theo kinh phí Trung ương rót về. Tổ chức miễn phí, trung tâm không bảo đảm kinh phí nhưng nếu để người lao động tự nguyện bỏ phí tham gia thì là chuyện “mơ giữa ban ngày”.

Chính quy hóa đội ngũ lao động

Năm 2014, lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức hai kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Trường CĐ nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) và Trường CĐ nghề Đà Nẵng. Thí sinh đủ điều kiện sẽ được Tổng Cục dạy nghề cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, có giá trị trong cả nước. Đây là căn cứ để người sử dụng lao động tuyển chọn, xếp bậc lương cho người lao động. Tuy nhiên, chỉ 60 người tham gia hai kỳ thi này và 15 người đạt yêu cầu. Con số đó quá ít ỏi so với hàng chục ngàn lao động hiện có tại Đà Nẵng.

Theo ông Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng, việc sát hạch và cấp chứng nhận nghề cho người lao động đã có nghề nhưng chưa có bằng cấp là giải pháp quan trọng trong việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn. Và trong tương lai, dù làm việc gì, người lao động đều phải có chứng nhận nghề do cơ quan Nhà nước cấp. Điều đó góp phần chính quy hóa đội ngũ lao động, nâng cao chất lượng lao động làm việc trên toàn thành phố. Tuy nhiên, phải có lộ trình. Trước tiên, cần chọn khoảng

15-20 nghề (chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch) làm thí điểm. “Phí sát hạch và bồi dưỡng kỹ năng do người lao động và vận động doanh nghiệp đóng góp. Ví dụ, hãng xe máy sẽ tài trợ chi phí cho việc sát hạch, cấp chứng chỉ nghề cho thợ sửa xe máy; hãng mỹ phẩm tài trợ cho nghề chăm sóc sắc đẹp; hãng dầu ăn tài trợ cho nghề nấu ăn…”, ông Sơn cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.