Chính trị - Xã hội
Thủ tướng Medvedev dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam-Nga. |
Chiều 7-4, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, hiện Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu đang tiến tới kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Điều này đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, trong đó tạo điều kiện cho đối tác từ các khía cạnh tiếp cận đến thị trường và những thuận lợi để hợp tác đầu tư. Nga cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi lớn, nhất là hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ cùng với sản phẩm hàng hóa khác.
Thông tin về nhiều dự án đã đầu tư của Nga tại Việt Nam, nhất là về dầu khí, năng lượng, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng hai bên cần phải mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới. Hy vọng trong thời gian tới, tại Việt Nam sẽ xuất hiện một liên doanh lắp ráp xe ôtô của Nga, đồng thời phát triển hợp tác trong các lĩnh vực về viễn thông liên lạc, y học…
Nga luôn chủ trương tạo những điều kiện thuận lợi để hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác, trước hết là cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các hàng rào hành chính phức tạp. Ngoài ra, các địa phương của Nga và Việt Nam cũng phải tăng cường các mối liên hệ hợp tác với nhau nhiều hơn nữa.
Về lĩnh vực tài chính và tín dụng, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng hai bên cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn để khai thác tiềm năng của Ngân hàng liên doanh Việt-Nga, đồng thời phải hướng tới mô hình hợp tác mới mang tính sáng tạo, trong đó có hình thức thanh khoản bằng đồng tiền hai nước là đồng Việt Nam và rúp của Nga.
Thông tin về tình hình trao đổi thương mại, các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết nền kinh tế Việt Nam đã khắc phục được những khó khăn và đã có mức tăng trưởng tốt. Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp để kích thích tăng trưởng và quyết tâm duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời chủ trương tích cực hội nhập toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Theo ông Hoàng Trung Hải, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc cải cách nền kinh tế, trong đó khuyến khích tạo điều kiện cho kinh tế khu vực tư nhân phát triển; hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế kinh tế thị trường, cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ được thành lập trong năm 2015, theo ông Hoàng Trung Hải, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và Nga tăng cường hợp tác với nhau. Khi hợp tác với Việt Nam, các doanh nghiệp Nga cũng đồng nghĩa sẽ hợp tác với 10 nước ASEAN, với những lợi ích rất lớn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Liên bang Nga hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực hợp tác truyền thống như dầu khí, năng lượng, khai khoáng, giáo dục đào tạo, chế tạo máy, trao đổi khoa học kỹ thuật, lắp ráp ôtô, công nghệ, thương mại, du lịch và lao động…
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nga, hơn 50 doanh nghiệp của hai nước đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề nhằm tìm hiểu cơ hội, tăng cường sự hợp tác trong thời gian tới, đồng thời các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong hợp tác, đầu tư.
Theo Trung tâm Nghiên cứu - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tính đến tháng Ba, Nga có 106 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD; trong khi đó, Việt Nam có 19 dự án đầu tư tại Nga với số vốn lên gần 2,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Liên bang Nga trong năm 2014 đạt 2,6 tỷ USD.
Cũng tại diễn đàn này, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga VTB đã ký ghi nhớ cùng chuẩn bị, nghiên cứu xây dựng mô hình để có thể thanh khoản bằng đồng tiền của hai nước.
TTXVN