.

UBND huyện Hoàng Sa trưng bày tư liệu quý về Hoàng Sa

.

Từ ngày 22 đến ngày 26-4, trong khuôn khổ triển lãm 40 năm thành tựu và phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và Quốc tế xây dựng Vietbuild 2015, UBND huyện Hoàng Sa đã trưng bày các tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và các hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa trong thời gian qua.

Trưng bày của UBND huyện Hoàng Sa thu hút sự chú ý của đông đảo người đến tham dự triển lãm
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (ngoài cùng, bên phải) xem các tư liệu quý về Hoàng Sa tại triển lãm

Theo đó, trưng bày chia thành những mục chính: Bản đồ tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam, bản đồ phương Tây và bản đồ Trung Quốc về lãnh thổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa, các hình ảnh và tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975, những hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa và các tư liệu khác.

Bản đồ tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam gồm: Tờ bản đồ có ghi địa danh Hoàng Sa ở ngoài khơi nước ta trong tập Đại Nam địa dư toàn đồ, dị bản của tập bản đồ Càn khôn nhất lãm do Phạm Đình Hổ vẽ vào đầu thế kỷ 19 (lưu trữ tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, Việt Nam); Tờ bản đồ vẽ xứ Quảng trong tập An Nam hình thắng đồ phụ Nam Bắc xứ đồ; Phiếu Bộ Hộ xin thời hạn 5 ngày để cứu phúc tấu sách Quảng Ngãi xin khai tiền gạo và tiền thuế dân phu đi theo Đoàn đo đạc Hoàng Sa (Minh Mạng năm thứ 18, ngày 11-7); Đại Nam thống nhất toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838, thể hiện 2 địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa bằng chữ Hán.

Bản đồ phương Tây và bản đồ Trung Quốc về lãnh thổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa gồm:

Mô phỏng tập bản đồ Trung Hoa bưu chính dư đồ tái bản tại Nam Kinh năm 1933 gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 29 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Tấm bản đồ số 23 trong atlas này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam, nhưng do hạn chế kích thước nên không thể in đảo Hải Nam trên bản đồ này. Vì thế, người ta đã in thêm bản đồ Hải Nam vào góc trái của tấm bản đồ số 23 này. Tập bản đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Quốc biên soạn và xuất bản bằng 3 ngôn ngữ: Trung - Anh - Pháp. Trong tập bản đồ này không có bản đồ nào đề cập Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bản gốc đang lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Mô phỏng tập bản đồ Complete Atlas of China xuất bản năm 1971, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Đây là ấn phẩm tái bản từ tập bản đồ Trung Quốc địa đồ do Phái bộ Trung Hoa lục địa xuất bản và được chính quyền Trung Quốc phát hành lần đầu vào năm 1908. Trong ấn phẩm tái bản này cũng không có bản đồ nào đề cập Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bản gốc thuộc một sưu tập tư nhân ở Hoa Kỳ.

Mô phỏng tập bản đồ Trung Quốc địa đồ xuất bản năm 1908, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Tập bản đồ này do Phái bộ Trung Hoa lục địa biên soạn với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh, xuất bản bằng tiếng Anh, số lượng giới hạn và được chính quyền Trung Quốc chính thức phát hành. Trong tập bản đồ này không có bản đồ nào đề cập Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bản gốc đang lưu trữ tại bảo tàng Đà Nẵng và các bản bồ quý khác.

Các hình ảnh, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975 gồm: toàn cảnh đảo Hoàng Sa, Đài Radio trên đảo Hoàng Sa (1939), cảnh đào giếng nước ngọt trên quần đảo Hoàng Sa.

Những tư liệu quý này đã thu hút đông đảo người xem. Đây là dịp để người dân tìm hiểu thêm về các tư liệu, chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Theo Hồng Thúy/TT&VH

;
.
.
.
.
.