.
40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

.

Bài 2: Trên hướng Tây Bắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh

Từ giữa tháng 4, tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Để bảo đảm chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, một lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một trung đoàn tên lửa, hai sư đoàn ô-tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch .(1)

Quán triệt chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đề ra phương châm chỉ đạo trong chiến dịch Hồ Chí Minh là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến, quyết thắng” .(2)

Để “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xác định hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng Bắc và Tây Bắc, trong đó hướng Tây Bắc là chủ yếu nhất. Hướng Đông và Tây Nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Dinh Độc lập.

Ngày 24-4-1975, Binh đoàn Tây Nguyên được phổ biến phương án chiến đấu trong chiến dịch và đảm nhận một mũi thọc sâu hướng Tây Bắc Sài Gòn với mục tiêu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Sau khi hành quân tập kết ở ven sông Sài Gòn thuộc địa phận Củ Chi ngoại ô Sài Gòn, việc chuẩn bị chiến dịch, nhất là công tác tư tưởng đối với bộ đội được triển khai khẩn trương. Cơ quan chính trị quân đoàn phổ biến đến toàn cán bộ, chiến sĩ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Đánh vào một thành phố lớn nhưng bộ đội ta chưa thông thuộc địa hình. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Mặt trận quy định các đơn vị chuẩn bị và mỗi cán bộ, chiến sĩ được phát một băng đỏ đeo ở tay trái để quân ta nhận biết nhau.

Đến ngày 25-4, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.

Khi vòng vây 5 cánh quân của bộ đội ta siết chặt chuẩn bị tấn công thành phố Sài Gòn, ngày 21-4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng”. Đến ngày 28-4, Trần Văn Hương từ chức để nhường chỗ cho con bài cuối cùng của Mỹ là Dương Văn Minh hòng tìm giải pháp ngoại giao để hoãn binh. Song, âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng, giờ cáo chung của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.

Ngày 26-4, Sư đoàn 316 - đơn vị ngay sau trận Buôn Ma Thuột đã được lệnh hành quân sớm vào Đông Nam Bộ, cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh liên tiếp đánh chiếm một loại đồn bốt của quân ngụy, cắt đường quốc lộ số 1 và đường 22, chia cắt không cho lực lượng quân ngụy điều các đơn vị tại Gò Dầu - Trảng Bàng về Đồng Dù, Củ Chi.

Ngày 27-4, Sư đoàn 316 tiếp tục đẩy lùi cuộc phản kích của địch. Trong các trận đấu pháo từ ngày 25 đến 28-4 trên hướng này, 39 khẩu pháo các cỡ của Quân đoàn 3 phá hủy 33 khẩu pháo các cỡ 155mm và 105mm của quân đội ngụy tại Đồng Dù, Phước Mỹ, Đồng Chùa, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Bến Kéo, Khiêm Hạnh; phá hủy 11 trận địa pháo, gây thiệt hại nặng cho 7 trận địa pháo khác của quân đội VNCH.

2 giờ 30 ngày 29-4-1975, Sư đoàn 320 nổ súng tấn công căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) của Sư đoàn 25 VNCH dưới sự chỉ huy của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá nhằm đập tan tuyến phòng thủ của VNCH ở hướng Tây Bắc. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất của tuyến phòng thủ hướng Tây Bắc. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cùng bộ tham mưu tháo chạy, bị quân và dân Củ Chi phối hợp bắt sống tại Tân Phú Trung. Đúng 11 giờ ngày 29-4, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Sư đoàn 320 tung bay trên trung tâm căn cứ Đồng Dù.

TRƯƠNG MINH DỤC


(1) Vũ Bình: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - bản anh hùng ca bất diệt. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Cộng hòa XHCN Việt Nam, cập nhật 25-3-2015.

(2) Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 286.

;
.
.
.
.
.