Chính trị - Xã hội

125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2015)

Thành công từ vải vụn

08:04, 15/05/2015 (GMT+7)

Về thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hỏi chị Hồng “vải vụn” thì ai cũng biết. Bởi lẽ, giữa vùng quê yên tĩnh, cơ sở vải vụn của chị Ngô Thị Hồng tấp nập người ra vào mua bán; hàng chục nhân công ngồi vây quanh các đống vải vụn trên sàn lựa vải, gia công…

Nói về công việc kinh doanh hiện tại của mình, chị Ngô Thị Hồng cho biết: “Vất vả lắm, quần quật tới 22 giờ chưa xong, có khi nằm ngủ luôn ở phòng khách. Nhưng mình từng tham gia cách mạng, từng trải qua những ngày gian khó của đất nước nên được tôi luyện nhiều”.

Chị Hồng chia sẻ, chị về hưu năm 2004, nghĩ mình còn khỏe, phải làm để kiếm thêm thu nhập, nhưng loay hoay mãi chẳng có việc chi phù hợp. Nhớ lại cái thời làm ở xưởng thảm len rồi đến công ty may thấy hàng ngàn tấn vải vụn, vải đầu khúc từ các công ty xí nghiệp chở đi tiêu hủy, chị thấy tiếc. Từ đó, chị nung nấu ý định và quyết tâm thành lập cơ sở nhỏ sản xuất, tận dụng vải vụn, vải đầu khúc do các công ty thải ra.

Nhưng đi vào thực tế mới thấy khó khăn nhiều thứ, không có kinh nghiệm kinh doanh, tuổi tác đã lớn, phải chạy ngược xuôi tìm kiếm đầu vào, đầu ra… Vượt qua mọi trở ngại, chị bước đầu kiếm thêm thu nhập cho gia đình và mở rộng sản xuất. Chị mua hàng tấn vải phế liệu, vải đầu khúc của các công ty may, chế tạo ra những sản phẩm như: áo quần bảo hộ lao động, áo quần trẻ em, tấm chăn đắp cho trẻ em, tấm lau nhà, thảm để sàn, thảm chùi chân…

Đến nay, sản phẩm của chị làm ra đáp ứng được yêu cầu thị trường, phân phối cho khách hàng ở miền Bắc, khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, tạo việc làm cho 30 phụ nữ không có việc làm ổn định tại địa phương (trong đó có 5 phụ nữ nghèo, 7 phụ nữ khuyết tật), thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định cuộc sống gia đình của các chị.

Không chỉ tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn, chị Hồng luôn tìm đến với những mảnh đời bất hạnh, có khi hỗ trợ vài bộ đồ, tấm chăn, khi vài trăm ngàn đồng đến cả vài triệu đồng; mỗi tháng chị còn chu cấp 100.000 đồng cho 2 phụ nữ khuyết tật tại thôn Phong Nam, thôn Giáng Đông. Hình ảnh chị cũng khá quen thuộc tại các bệnh viện, những vùng miền núi còn khó khăn như Hòa Phú, Hòa Bắc… Khi chúng tôi đến, chị cũng đang tất bật chuẩn bị hơn 200 suất cơm mang đến những người khó khăn…

Tuy vậy, người phụ nữ bước qua tuổi lục tuần không xem những việc mình làm là to tát, vì với chị, giúp người khác là xuất phát từ cái tâm, thấy cần phải làm, phải sẻ chia.

Chị Ngô Thị Ngọc, Chi hội trưởng chi hội thôn Phong Nam nhận xét: “Về tiền bạc, chị Hồng không giàu nhưng về tình cảm chị rất giàu. Ở trong thôn, người nào cần giúp đỡ, chị tìm đến bằng cả tấm chân tình. Dù thời gian eo hẹp nhưng chị Hồng luôn nhiệt tình trong công tác hội. Chính tinh thần, tấm lòng vì người khác, sự gương mẫu trong lối sống của chị đã lan tỏa trong mỗi hội viên, giúp phong trào của chi hội luôn sôi nổi, tập hợp được nhiều chị em tại địa phương tham gia”.

Chị Ngô Thị Hồng sinh năm 1953. Với 34 năm tuổi Đảng, chị luôn phấn đấu là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong công tác tại địa phương. Chị vinh dự được nhận bằng khen Cá nhân tiêu biểu sáng tạo trong lao động, sản xuất và làm kinh tế giỏi năm 2012-2013; nhiều giấy khen về công tác giúp đỡ người nghèo của Hội Đông y thành phố, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố... Vừa qua, chị đã được Đảng ủy xã Hòa Châu đề nghị khen thưởng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015.

NGỌC HÀ

.