Chính trị - Xã hội

Lắng nghe trực tiếp từ dân

07:55, 15/05/2015 (GMT+7)

“Thành quả quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố trong thời gian qua là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là thành phố đã thật sự coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về các chủ trương xây dựng, phát triển thành phố văn minh và hiện đại hơn”, ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết.

Người dân được lãnh đạo thành phố mời đến đối thoại trực tiếp về vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù.
Người dân được lãnh đạo thành phố mời đến đối thoại trực tiếp về vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù.

Đối thoại để hiểu lòng dân

Từ năm 2007 đến nay, thành phố đã thực hiện thu hồi 18.500 hecta đất để triển khai thực hiện hơn 1.300 dự án và có khoảng hơn 110.000 hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa. Do đó, công tác tiếp dân tại nhiều phường, xã, nhất là những địa phương đang triển khai các dự án của thành phố được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc và đi vào nền nếp.

Đối với một số dự án trọng điểm, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố cùng với lãnh đạo UBND quận, huyện trực tiếp đến cơ sở để tiếp dân, lắng nghe, giải thích và tiếp thu các ý kiến đóng góp cũng như nguyện vọng của dân liên quan đến việc giải tỏa, đền bù, tái định cư; qua đó, chỉ đạo xử lý và giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điển hình mới đây là dự án công trình cầu vượt ngã ba Huế, xóa “khu ổ chuột” ở gần chợ Cồn…

Ông Phạm Quý cho biết, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đối thoại trực tiếp với nhân dân theo quý, 6 tháng, họp tổ dân phố, thôn và phát hành “Bản thông tin dân chủ”, qua đó, nhiều thông tin quan trọng đã được công khai rộng rãi đến người dân. Hiện nay, 100% phường, xã thực hiện việc niêm yết công khai tại trụ sở và trên thông tin điện tử của đơn vị các thông tin về quy trình, lệ phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, số điện thoại đường dây nóng xử lý các kiến nghị, hộp thư góp ý, các thông báo liên quan đến việc vay vốn ưu đãi, các chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Là một trong những địa phương có số hộ di dời, giải tỏa nhiều của thành phố, ông Trần Anh Đức, Phó Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, với 110 dự án triển khai trong 10 năm qua ảnh hưởng đến đời sống của hơn 15.000 hộ gia đình phải giải tỏa, di dời nhưng nhờ ngay từ đầu thành phố và quận đã chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị, công khai các phương án, kế hoạch, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, bố trí tái định cư và đối thoại trực tiếp, tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích với nhân dân, nhờ đó đa số nhân dân đồng thuận thực hiện chủ trương chung. Đối với những hộ chưa chấp hành thì tích cực vận động và có chính sách hỗ trợ phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc cưỡng chế.

“Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Một số nội dung được “dân bàn” và quyết định trực tiếp như các khoản đóng góp xây dựng công trình tại địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian thực hiện các loại quỹ, nghĩa vụ theo quy định và một số nội dung được “dân bàn” trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định như: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và dài hạn, đề án giảm nghèo, kế hoạch huy động và sử dụng các khoản đóng góp của dân để đầu tư công trình phúc lợi công cộng.

Thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó, phong trào nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng quan tâm, chú trọng đến công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, trong đó bố trí kinh phí hoạt động, củng cố đội ngũ thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ giám sát, tổ chức giao ban theo quý để phản ánh các vướng mắc tại cơ sở. Đến nay, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng cơ bản phát huy được vai trò giám sát việc triển khai các dự án, công trình cũng như kết quả tiếp và xử lý các đơn thư, khiếu nại hoặc kiến nghị của tổ chức, công dân. Qua đó, một số công trình công cộng của các địa phương trên địa bàn thành phố được bảo đảm về tiến độ và chất lượng, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Ông Trần Anh Đức cho biết, đối với các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn các phường của quận Cẩm Lệ, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và giám sát đầu tư cộng đồng gửi kiến nghị UBND cung cấp hồ sơ thiết kế công trình để Ban TTND xây dựng kế hoạch giám sát đầu tư cộng đồng. Các công trình xây dựng cơ bản có nguồn vốn ngân sách, vốn góp của nhân dân được Ban TTND tham gia giám sát ngay từ đầu nhằm hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm được hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả cao.

Trong 10 năm qua, nhân dân các phường trên địa bàn quận đã hiến gần 20.000m2 đất để mở rộng đường giao thông, đóng góp nâng cấp đường kiệt hẻm, lắp điện chiếu sáng, nước máy. Đến nay đã có 93% đường kiệt hẻm được bê-tông hóa, 98% hộ sử dụng nước máy, điện chiếu sáng kiệt hẻm đạt tỷ lệ 44,8% và 31,9% kiệt hẻm có hệ thống thoát nước tốt.

Bài và ảnh: GIA HUY

.