Chính trị - Xã hội

Cần có chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ Tư pháp

08:40, 06/05/2015 (GMT+7)

Ngày 5-5, đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH tiếp xúc cử tri chuyên đề với các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lao động, thương binh và xã hội, công tác tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII khai mạc vào ngày 20-5 tới tại Hà Nội.

Góp ý cho dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động và những chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, các cử tri đã tập trung vào các nội dung còn nhiều quan điểm khác nhau như: Mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp lao động và bệnh nghề nghiệp, ban hành quy chế quốc gia về vệ sinh an toàn lao động, trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh, an toàn lao động. Một số ý kiến cho rằng: Dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động về thực hiện an toàn lao động.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, Điều 6 cần bổ sung thêm quy định về các quyền của người lao động như: Được thực hiện chế độ bảo hiểm lao động, khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật và quyền được điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Tại khoản 1, Điều 70 nên bổ sung thêm quy định đối với lao động làm việc tại nhà thì người sử dụng lao động chỉ được giao công việc cho người lao động khi họ có đủ các điều kiện đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động để bảo đảm an toàn lao động và gắn trách nhiệm giữa người sử dụng lao động với người lao động.

Dự thảo luật nên bỏ các quy định về các trường hợp đặc biệt được người sử dụng lao động hỗ trợ đối với người bị tai nạn lao động trong khoản 1, Điều 40 vì quy định này đã được điều chỉnh tại Điều 108, Bộ luật Lao động; bổ sung thêm các điều khoản quy định điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với hệ thống các KCN, khu chế xuất và khu kinh tế; đồng thời tăng hình phạt đối với việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi che giấu, gian dối các vụ tai nạn lao động…

Liên quan đến công tác tư pháp, các cử tri cho rằng, hiện nay các văn bản luật chưa thống nhất quy định về độ tuổi, lúc thì ghi “đủ 18 tuổi”, “từ 18 tuổi”, “đủ từ 18 tuổi”; do đó cần quy định cụ thể để công dân dễ hiểu; bất cập trong việc vừa thu phí bảo vệ môi trường vừa thu phí bảo trì đường bộ đối với mô-tô, xe máy; khó khăn trong việc thực hiện xử lý súc vật thả rông không có lực lượng chức năng để xử lý.

Các cử tri cũng kiến nghị QH không nên trao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cấp quận, huyện, phường trừ trường hợp có tổ chức HĐND quận, huyện, phường; cần có chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ Tư pháp vì hiện nay công tác tư pháp đang tăng cường các đầu công việc mới; bổ sung mỗi phường, xã một cán bộ chuyên trách giải quyết khiếu nại, tố cáo để giảm áp lực công việc cho cán bộ Tư pháp xã, phường…

ĐOÀN LƯƠNG

.