Chính trị - Xã hội

Đổi thay ở chợ Thanh Vinh

08:32, 25/05/2015 (GMT+7)

Vài năm trước, khu chợ Thanh Vinh ở đường số 4 Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng chỉ để cho cỏ mọc và là điểm trú chân của bò. Thế nhưng, hiện khu chợ này đã trở thành điểm phục vụ giới công nhân (CN) mua sắm những vật dụng cần thiết và nơi giải trí.

Chợ Thanh Vinh phát huy hiệu quả sau khi được nâng cấp.
Chợ Thanh Vinh phát huy hiệu quả sau khi được nâng cấp.

Hiệu quả từ việc xóa chợ “cóc”

Ông Đặng Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết: Cách đây vài năm, tình trạng chợ “cóc” tự phát mọc lên khá nhiều ở các tuyến trong KCN Hòa Khánh, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, chợ Thanh Vinh nằm sát đường số 4 KCN Hòa Khánh được đầu tư khang trang lại không thu hút được hộ kinh doanh.

Vì vậy, với quyết tâm dẹp bỏ chợ “cóc” để đưa các hộ kinh doanh buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trong KCN Hòa Khánh, chính quyền địa phương đã ra quân nhất quyết phải “xóa” hẳn những khu chợ tự phát trong KCN Hòa Khánh. Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền và kiên quyết xử lý các hộ buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…, hiện các tuyến đường trong KCN Hòa Khánh đã không còn cảnh họp chợ, gây mất trật tự ở hai bên đường.

Để giải tỏa những chợ tự phát, theo quan điểm của phường, nếu chỉ thực hiện “đẩy đuổi” là rất khó, điều quan trọng là cần giúp người dân có được địa chỉ mới kinh doanh ổn định để mưu sinh. Do vậy, muốn giải tỏa hẳn chợ “cóc” nhất thiết phải đầu tư mở rộng chợ Thanh Vinh. 

Vì vậy, hằng ngày địa phương phải cử lực lượng quy tắc ngăn chặn việc lấn đường họp chợ; đồng thời đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mở rộng khu chợ Thanh Vinh làm nhiều khu nhằm bố trí hợp lý với từng mặt hàng kinh doanh cho tiểu thương. “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ buôn bán ở chợ Thanh Vinh lâu dài, ban đầu địa phương đã miễn các khoản phí cho các hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, để chống tái lấn chiếm, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân về xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp, địa phương tiếp tục duy trì lực lượng thường xuyên cắm chốt tuần tra xử lý vi phạm, kiên quyết xóa bỏ thói quen tiện đâu mua đó”, ông Nhân cho hay.

Chợ cho công nhân

Trời đã tối muộn nhưng chợ Thanh Vinh vẫn đông đúc người mua, kẻ bán. Người mua chủ yếu là CN làm việc trong KCN Hòa Khánh; các mặt hàng chủ yếu là rau, củ, quả và thịt, cá… Chị Hoàng Thị Hải, bán rau ở chợ cho biết: “Chợ ở đây bán vào buổi chiều rồi bán luôn buổi tối khoảng từ 15 - 20 giờ hằng ngày, vì nhiều công ty thường tăng ca nên CN ra trễ”. Cầm trên tay bó rau lang và mớ cá biển, chị Loan, CN đi chợ nói: “Tăng ca xong ra về là trời tối rồi nên tranh thủ mua những thức ăn này để chế biến. Chợ ở đây bán đồ với giá bình dân nên phù hợp với túi tiền của chúng tôi”.

Quanh vòng ngoài khu vực chợ Thanh Vinh, những mặt hàng quần áo, giày dép, trang sức, vali, túi xách… cũng được bày bán khá nhiều. Đây cũng chính là khu vực thu hút đông đảo CN đến mua sắm và dạo chơi. Chị Lê Thị Tuyết, CN sống khu vực này cho biết, tối nào chị cũng ra chợ để… chơi. “Thích nhiều thứ lắm nhưng làm gì có nhiều tiền để ngày nào ra chợ cũng mua hàng. Ở đây không khí vui nhộn nên chúng tôi thường rủ nhau ra vừa đi dạo, vừa tìm hiểu các mặt hàng cho thỏa thói quen… đi mua sắm”, chị Tuyết chia sẻ.

Nhằm phục vụ cho CN, người lao động nghèo nên giá cả của các mặt hàng ở chợ rất rẻ, đi kèm với các hình thức khuyến mại rất hấp dẫn. Một chiếc áo thun hay áo sơ-mi nữ thời trang có giá chỉ 35.000-50.000 đồng… Chị Lê Thị Liên, một chủ cửa hàng quần áo nói: “Khách hàng ở đây chủ yếu là CN lao động nên hàng tôi lấy về cũng phải có giá hợp với túi tiền của khách”. Còn anh Nguyễn Văn Tư - người bán hàng “di động” ở chợ bộc bạch: “Mặt hàng tôi bán chủ yếu là áo sơ-mi thanh lý, giá chỉ vài chục ngàn đồng thôi! Hàng giá cao là không bán được. Nhưng CN cũng cân nhắc, lựa chọn hàng khá kỹ nên họ chủ yếu là xem trước, mua sau”.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

.