Chính trị - Xã hội
Tâm lý "vượt lên trước"
Quan sát giao thông trên đường phố ở các giao lộ, cảnh hay thấy là khi đèn đỏ báo dừng xe, thì người đi xe máy cứ ùn lên bất cứ chỗ trống nào có thể, có khi là ngay đầu một ô-tô đang dừng trước vạch trắng.
Nhiều người lách qua làn xe ngược lại, nối đuôi nhau… Do vậy, khi có đèn xanh, vì chỉ khoảng 20 giây, nên sự ùn tắc này không giải tỏa kịp thì đến lượt phía đường bên kia đã có đèn xanh… Nguy cơ kẹt đường phần lớn là do tâm lý không chịu chậm thua ai trên đường đó.
Có khi, người đi xe máy bên trái muốn qua bên phải, lại không chịu dừng xe chờ, mà tiếp tục chạy bên trái đến cả hàng trăm mét! Nhiều bạn trẻ đi xe máy lại chẳng tuân theo làn đường dành riêng, mà cố vượt lên bên trái ô-tô, xe tải… Tất cả những tai nạn giao thông, nếu được phân tích, chắc đa số là từ những bất chấp luật lệ tùy tiện đó mà ra.
Trên lề đường, trong những tiệm, cửa hàng buôn bán cũng vậy! Chủ này kê ra ngoài mép cửa nhà mình một cái tủ, thì chủ kế cận lại kê thêm ra hơn nữa, sợ người ta che khuất hàng của mình. Vậy là sinh ra cãi vả, tranh giành mất trật tự. Ngay cái tấm bạt che trước hiên nhà mà vừa qua đã được tháo dỡ, nếu làm đúng quy cách, màu sắc, thiết kế… thì phố xá sẽ đẹp lên. Đằng này, mạnh ai nấy làm, to nhỏ khác nhau, tương thích với chiều rộng lề đường, trong lúc lại thiếu sự chỉ đạo, quản lý thống nhất cho mỗi con phố từ phía cơ quan chức năng, nên phố xá trở nên nhếch nhác…
Quan sát những hiện tượng xã hội đó và thấy rằng nó xuất phát từ tư tưởng, tâm lý tiểu nông của chúng ta. Tuy là ở phố hàng chục năm, nhưng ai cũng có gốc gác nông dân, thừa kế cả cái tốt lẫn cái xấu của văn hóa truyền thống. Đặc biệt tâm lý tiểu nông đã ảnh hưởng lâu dài trong quan niệm, tác phong, tập tính và cách làm việc hằng ngày của nhiều cư dân đô thị.
Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, đó là những suy nghĩ manh mún và không hệ thống, tạo ra tính tự phát, chạy theo… thường thấy trong sản xuất nông nghiệp. Việc chạy theo những lợi ích trước mắt của mỗi cá nhân mà quên đi lợi ích lâu dài và lợi ích cộng đồng thể hiện trong việc đi đường như vừa kể. Tâm lý tiểu nông biểu hiện ở tính kỷ luật kém, không tự giác và thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật theo cách nghĩ “phép vua thua lệ làng” xưa nay.
Sản xuất nông nghiệp chúng ta từ xưa đề cao việc tự sản, tự tiêu, tự cấp, tự túc. Có nhà nghiên cứu cho rằng chính cái gì cũng “tự” đó nên đã hình thành một tính cách là chỉ biết lo, biết nghĩ cho mình, gia đình mình…
“Họ giống như những củ khoai tây cùng nằm trong một bao tải. Đúng là giống nhau thật nhưng giữa họ lại chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Mạnh ai nấy sống. Đôi khi người này tưởng rằng người kia là nguyên nhân của mọi bất hạnh của mình. Và chen cạnh nhau, phá hại nhau, làm cho nhau bầm dập đau đớn mới thôi”, như Karl Marx đã tổng kết. Những gì mô tả trên kia chỉ mới là lát cắt trong sinh hoạt hằng ngày mà ai cũng thấy được. Thật ra, tâm lý tiểu nông “vượt lên trước” đó, còn ẩn hiện tinh tế trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống.
Tâm lý tiểu nông đó không dễ khắc phục trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị mà hiện nay thành phố đang phát động. Tư duy dẫn đến hành động và nó tùy thuộc vào nếp nghĩ, nếp sống đã chi phối trong đời sống mỗi người. Để thay đổi lâu dài và căn cơ, cần phải bắt đầu từ những biện pháp cũng lâu dài và căn cơ không kém, từ giáo dục đối với trẻ em và bằng luật pháp nghiêm minh với người lớn để điều chỉnh các hành vi. Nếu nói riêng về giáo dục, thiết nghĩ những buổi sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại cho học sinh từ cấp tiểu học là hết sức cần thiết.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG