Chính trị - Xã hội

Bộ trưởng Công an nói về nguyên nhân dẫn đến án oan, sai

16:31, 05/06/2015 (GMT+7)

Một số điều tra viên vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, thành tích. Một số ít chưa chấp hành quy chế làm việc, quy trình công tác…

Bộ trưởng Trần Đại Quang
Bộ trưởng Trần Đại Quang

Cần đúng pháp luật chứ không phải nhiều hay ít

Báo cáo giám sát về tình hình oan, sai và công tác bồi thường oan, sai được trình bày trước Quốc hội sáng 5/6 có nêu vấn đề bắt tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp chuyển sang xử lý hành chính và coi đó là thiếu sót, vi phạm của cơ quan điều tra. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, vấn đề này cần được đánh giá dưới góc độ cơ quan điều tra có áp dụng đúng pháp luật hay không, chứ không phải nhiều hay ít.

Bộ trưởng nhất mạnh, ít nhưng áp dụng sai pháp luật thì cũng không được. Với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, cơ quan điều tra các cấp chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ không để đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Bắt, tạm giữ hình sự, tạm giam đều được Viện kiểm sát cùng cấp xem xét.

Trong quá trình điều tra, việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra còn chú trọng chứng minh sự vô tội hoặc tính chất, mức độ, hành vi của bị can theo phương thức suy đoán vô tội. Qua đó bị can được đình chỉ điều tra, chỉ xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ, vừa qua khi xảy ra các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để ổn định tình hình và bảo đảm an ninh trật tự, cơ quan điều tra đã bắt, tạm giữ hình sự hàng trăm đối tượng nhưng sau khi điều tra, xác minh, đánh giá tính chất phạm tội... thì chỉ đưa ra truy tố, xét xử một số ít đối tượng. Như vậy, Bộ trưởng cho rằng điều này cần thiết và vẫn đúng quy định pháp luật.

Vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình

Bộ trưởng thừa nhận mặc dù số lượng oan, sai đã giảm nhưng hoạt động điều tra xác định tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt ở một số nơi còn xảy ra tình trạng oan, sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến các cơ quan tố tụng, gây bức xúc cho người dân.

Đối với cán bộ chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra xử lý tội phạm, quan điểm nhất quán của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo pháp luật. Bộ đã phối hợp với Viện kiểm sát và Toà án, và các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm minh.

Theo đó, từ ngày 1/1/2011 đến nay đã có 40 cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị để cán bộ, chiến sĩ có hành vi xâm hại hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới.

Ví dụ như vụ bắt tạm giam oan 7 người trong vụ án giết người ở Sóc Trăng năm 2013, Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố hai điều tra viên, xử lý hai cán bộ có liên quan. Từ Phó giám đốc kiêm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Trưởng phòng, phó trưởng phòng cơ quan cảnh sát điều tra đến cán bộ điều tra đều bị xử lý bằng cách giáng cấp, cách chức, miễn nhiệm chức danh tư pháp.

Vì sao xảy ra oan sai?

Nói về nguyên nhân dẫn đến oan, sai, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, mỗi năm khởi tố gần 80.000 vụ án, với trên 120.000 bị can nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu, nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm. Thậm chí có điều tra viên thụ lý 70 vụ án mỗi năm gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng chất lượng.

Một số điều tra viên ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc đòi hỏi kết thúc sớm vụ án, do áp lực dư luận.

Cũng có những trường hợp tư tưởng thành tích dẫn đến nóng vội trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ, hoặc chủ quan, thoả mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan tâm đến các chứng cứ khác.

Một số ít chưa chấp hành quy chế làm việc, quy trình công tác và các quy định của pháp luật dẫn đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương, thời gian phát hiện sơ hở thiếu sót trong hoạt động điều tra xử lý vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát, thường xuyên.

Nhiều giải pháp được triển khai để hạn chế vi phạm

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội, không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, nghiêm cấm bức cung nhục hình và có hành vi xâm hại đến quyền, lơi ích hợp pháp của người dân dưới mọi hình thức.

Công tác thanh tra sẽ được thực hiện thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm để kịp thời khắc phục, không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

Nâng cao trình độ thực thi pháp luật nhất là đội ngũ điều tra viên, giáo dục cán bộ chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức, tăng cường kiểm tra hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung trong bắt giam giữ điều tra.

Cùng với đó đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan công an các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong công tác điều tra. Kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những người làm sai các vụ án hình sự, xử lý liên đới trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình. Các vụ án có cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố thì thông báo trong toàn quốc rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng cũng cho biết đã có kế hoạch tăng cường lực lượng điều tra viên cho các cơ quan điều tra ở các địa phương trọng điểm. Kiên quyết không bố trí cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện của điều tra viên.

Ngoài ra sẽ tăng cường trang bị phương tiện chuyên dùng để phục vụ cho việc ghi nhận chứng cứ, phòng ngừa oan sai.

Theo VOV

.