Chính trị - Xã hội
Người phụ nữ giỏi làm giàu, giỏi làm cách mạng
Sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, cha và anh đi tập kết, vợ chồng chị Ánh đang sống và công tác ở vùng tự do đầu nguồn sông Thu Bồn dắt díu nhau về quê – xã Điện Hòa, Điện Bàn – rồi ra Đà Nẵng tính chuyện làm ăn. Dẫu chẳng nói ra nhưng ai cũng hiểu làm ăn ở đây có cả chuyện tiếp nối công việc cách mạng vốn như đời thường của chị và gia đình.
Ách cai trị của chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm hà khắc, hiểm độc, đặc biệt với những người liên can đến cộng sản, nhưng chủ nghĩa thực dân mới mà Mỹ du nhập vào miền Nam Việt Nam rất nhanh kèm theo những khoản viện trợ hào phóng cũng tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho những ai có đầu óc, biết tính toán.
Chị Ánh là một người như vậy. Trong vòng kèm kẹp của quân thù, chị có một suy nghĩ, muốn sống, muốn làm cách mạng dù chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi, mình phải có tiền, phải giàu, có vỏ bọc đẹp, một người giàu sang có đẳng cấp, có quan hệ với các nhân vật đầy thế lực… và luôn sẵn tiền để lo lót, chạy chọt khi hữu sự. Chị lao vào buôn bán. Bắt đầu chỉ là một người buôn bán nhỏ, một sạp vải nhỏ giữa chợ, giữa lòng Đà Nẵng phồn hoa. Chị cặm cụi làm ăn, hết mình tằn tiện. Có cơ duyên, có cả những may mắn, chị mau chóng có một tiệm vải lớn nhất nhì Đà Nẵng.
Dân Đà Nẵng nhiều người mang máng biết bà Nguyệt Ánh là Việt cộng, là cơ sở của Việt cộng, nuôi giấu Việt cộng trong nhà, đóng góp không ít tài lực cho cách mạng. Họ cũng biết bà đã nhiều lần vào tù ra khám, nếm trải đủ các nhà giam: Kho đạn, chợ Cồn, Ty Gia Long… và cả nhà lao Điện Bàn, Hội An. Có khi chẳng có can cớ gì chúng cũng bắt chị giam ít ngày, đánh đập tơi bời chỉ bởi một vài tên đầu lĩnh nào đó cần tiền xài cho một phi vụ…
Sau những ngày bị giam cầm, người ta vẫn thấy bà ở cửa hàng giữa những vải lụa đầy màu sắc, cười vui xởi lởi với khách hàng. Họ có biết đâu, bà thương tích đầy mình, đang nén đau tiếp tục cuộc hành trình.
Nếu trong buôn bán làm ăn bà giỏi một, thì khi hoạt động cách mạng bà còn nhiều phần hơn. Căn nhà 4 tầng đồ sộ của bà trên đường Hoàng Diệu, bà dành lầu bốn cho Mỹ thuê, lầu ba là nơi ăn ở, làm việc của Việt cộng, những người có điều kiện hợp pháp (bà còn có một căn hầm bí mật để nuôi giấu anh em hoạt động bất hợp pháp), lầu hai là phần dành cho sinh hoạt gia đình, còn tầng trệt là cửa hàng.
Có một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, hai tay bị siết chặt bởi còng số 8, lừa lúc địch sơ hở, đi ngang nhà bà, anh nhảy xuống những mong thoát thân. Anh được bà đưa vào trong nhà rồi sai đứa em út lấy một cưa sắt, hai chị em phá còng cho anh. Anh chiến sĩ cách mạng được thay một bộ đồ tươm tất và được con bà đưa về nơi an toàn, sau đó trở về vùng giải phóng Điện Bàn.
Với bà, những ngày vui nhất của cuộc đời là những ngày tháng 3-1975. Là người buôn vải suốt đời, ăn ngủ, hít thở trong hương vị của vải lụa, bà vui mừng khi được tự tay may cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh bằng vải lụa của mình trong ngôi nhà của mình, bà và các bạn đạp máy không biết mỏi, không biết mệt và những lá cờ xong đến đâu có người lấy đến đó, báo hiệu những giờ phút huy hoàng thành phố tràn ngập sắc cờ cách mạng đón mừng quân giải phóng.
“Bao nhiêu mong ước mới có một ngày vui, Đà Nẵng hôm nay giải phóng rồi”
Câu hát rộn ràng này đã đúng như tâm trạng bà và bà càng vui hơn bởi chính tại nhà bà, không lâu sau ngày 29-3-1975, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Quân đội nhân dân anh hùng… đã gặp nhau tại chính căn nhà của bà, để như một động viên, như một khẳng định về lực lượng nhân dân đô thị yêu nước, vùng lên khởi nghĩa, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Cách đây dăm bảy năm, gặp bà trong một cuộc họp Mặt trận, thấy bà đi lại khó khăn vì bệnh khớp (hay là di chứng những đòn tra tấn những ngày tù đày), tôi hỏi bà “Hồi này chị còn làm ăn buôn bán gì không?”, bà cười “Tôi đã thôi làm ăn cả nhiều năm nay rồi”.
Lúc ấy, có vẻ người tiếc nuối thời làm ăn vàng son lại là tôi chứ không phải là bà. Ôi con người cơ mưu, gan dạ, năng nổ, việc nước biết mấy nguy hiểm, việc nhà nhiều nỗi lo toan, bà đều chu toàn, gọn băng. Có lẽ đoán được tâm trạng tôi, bà thổ lộ “Được thế này còn có điều chi mà hối tiếc, có tiếc là tiếc cho vận hội của thành phố, của đất nước. Phải chi có chính sách thông thoáng hơn, tin cậy ở dân hơn thì Đà Nẵng này thiếu chi người làm ăn phát tài giàu có mà thành phố cũng từ đó thịnh vượng hơn”.
Nghe bà nói tôi thấy con người này vẫn còn lửa, còn nhiều hy vọng.
Nhớ ngày mới giải phóng, một lần được hầu chuyện với Tổng Bí thư Lê Duẩn, bà kể việc làm ăn, làm giàu và làm cách mạng của mình. Đồng chí Lê Duẩn có khen một câu “Cháu giỏi lắm, buôn bán làm giàu giỏi mà làm cách mạng cũng giỏi”.
Làm giàu tự thân nó là một động lực, một ma lực. Người ta có thể giẫm đạp lên tất cả, phản bội tất cả để làm giàu cho mình. Còn bà và nhiều bà con ta ngày ấy trong thời chống Mỹ không có ma lực của đồng tiền, chỉ có tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu Tổ quốc.
Giờ đây, trong cuộc cạnh tranh và hội nhập toàn cầu đầy sóng gió này, chúng ta đều rõ, nước mạnh là nhờ dân giàu, nhờ các doanh nghiệp làm ăn giỏi và tất cả đều có một nguồn cội sâu xa, bền vững, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Với ý nghĩ đó, tôi tin là bà đang thanh thản ra đi. Anh Nuôi, người bạn đời chung thủy, người đã làm tất cả để vợ có thể giỏi làm giàu, giỏi làm cách mạng ở nơi đó đang chờ chị. Ở nơi đó tôi thấy như có rất nhiều cờ đỏ sao vàng đẹp tươi, như những lá cờ bà hối hả may trong mùa xuân cách đây 40 năm.
4-6-2015
NGUYỄN ĐÌNH AN