Chính trị - Xã hội
Cần lắm những lớp tuyên truyền
Với gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, hầu như thời gian biểu trong ngày của công nhân, lao động là đến công ty làm việc, cố gắng làm tăng ca rồi về phòng trọ sinh hoạt, ăn, ngủ.
Các buổi tuyên truyền do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức luôn thu hút đông đảo công nhân lao động dự nghe. TRONG ẢNH: Tuyên truyền tại Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ. |
Trong khi đó, môi trường làm việc, cuộc sống lại nảy sinh nhiều vấn đề bắt buộc người lao động phải có một nền kiến thức pháp luật nhất định để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Hiểu rõ điều đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân, lao động.
250 công nhân, lao động Công ty TNHH Tiến Thắng ngồi lắng nghe từng lời của báo cáo viên đang tuyên truyền. Nhiều công nhân bảo, chưa bao giờ có buổi tập huấn đông người, nghiêm túc đến phút cuối như thế, bài giảng thực sự sát thực tế và công nhân lại hăng hái tham gia đặt nhiều câu hỏi cho báo cáo viên.
Đó là buổi tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội do LĐLĐ thành phố tổ chức tại Công ty TNHH Tiến Thắng vào giờ tan ca ngay tại xưởng làm việc. Dẫu sau 1 ngày làm việc vất vả, việc gia đình đang chất chồng ở nhà, nhưng các anh, chị, em công nhân vẫn nhiệt tình nán lại trong xưởng và chăm chú nghe hết buổi tuyên truyền với tinh thần rất tự giác và phấn khởi. Có như vậy mới thấy hết được sự “khát” thông tin của công nhân lao động như thế nào. Họ cần những buổi tuyên truyền để được nghe nhằm có thêm kiến thức và hỏi để được giải đáp những thắc mắc liên quan đến quyền và lợi ích của mình.
Có thể nói, một trong những chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn là tuyên truyền, giáo dục người lao động. Thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và chế xuất với đặc thù công nhân lao động nhiều, chủ yếu là nhập cư, tuổi đời trẻ, trình độ nhận thức chưa cao, rất dễ bị sa vào tệ nạn nếu bị cám dỗ, lôi kéo, các kiến thức về pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hầu như họ không nắm vững.
Xác định đây là đối tượng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, trong thời gian qua, LĐLĐ thành phố đã tăng cường mở nhiều lớp truyền thông với nội dung xoay quanh các vấn đề xã hội như phòng chống ma túy, tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, các kiến thức về pháp luật lao động như Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Bình quân hằng năm, LĐLĐ thành phố tổ chức trên 20 lớp tuyên truyền cho trên 5.000 lượt người dự nghe. Báo cáo viên là những người trực tiếp “miệng nói, tay làm”, nghĩa là chuyển tải đến người lao động những vấn đề trong thực tế công tác. Chẳng hạn như báo cáo viên về công tác phòng chống ma túy là cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố, vì họ trực tiếp tham gia các chuyên án về ma túy.
Thực tế sinh động trong những lần đánh án được các anh chuyển tải trong các bài giảng khiến công nhân lao động hào hứng nghe, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Hoặc khi nói về kiến thức pháp luật, báo cáo viên là những cán bộ lãnh đạo của Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố, những người trực tiếp làm công tác chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố cho biết: “Tuyên truyền cho công nhân lao động nhằm trang bị cho họ những kiến thức pháp luật là rất quan trọng. Trực tiếp truyền thông cho người lao động mới thấy công nhân rất cần được nghe, được hỏi. Với mỗi lớp truyền thông, chúng tôi luôn nỗ lực để chuyển tải những vấn đề thiết thực nhất, sát với thực tiễn cuộc sống, công việc của người lao động”.
Tại một số lớp tuyên truyền, việc người lao động “chất vấn” báo cáo viên đến “toát mồ hôi” khiến không khí buổi tuyên truyền trở nên rất sôi nổi. Đơn cử vừa qua, LĐLĐ thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội cho 250 công nhân lao động Công ty TNHH Valley View. Trước khi buổi tuyên truyền diễn ra, cán bộ Công đoàn tại đây đã tập hợp các câu hỏi của người lao động.
Tuy nhiên, khi có mặt báo cáo viên, các câu hỏi vẫn được đặt ra liên tục cho người đứng lớp. Không chỉ hỏi và nghe trả lời, những vấn đề chưa được trả lời thấu đáo, các anh, chị công nhân cũng “vặn vẹo” hỏi cho tới nơi. Theo chia sẻ của các báo cáo viên, nhiều vấn đề công nhân đặt ra từ thực tế cuộc sống nhưng luật chưa quy định hết hoặc có một số vấn đề thì luật đã quy định nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên phải “khất” với người lao động để chờ hướng dẫn của Trung ương.
Ngoài ra, một trong những địa chỉ truyền thông cũng được LĐLĐ thành phố quan tâm thời gian qua là các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ. Đây là mô hình tập hợp công nhân, lao động đang tạm trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố có trên 30 tổ công nhân tự quản khu nhà trọ với gần 3.000 công nhân, lao động đang sinh hoạt. Công tác tuyên truyền luôn được ưu tiên dành cho người lao động tại đây. “Các buổi tuyên truyền được tổ chức vào buổi tối, sau khi công nhân trở về từ công xưởng.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi được tham dự. Những công nhân như chúng tôi cần lắm những lớp tuyên truyền”, một công nhân tại Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chia sẻ như vậy khi bồng cả con nhỏ đến dự lớp tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn do LĐLĐ thành phố tổ chức.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của LĐLĐ thành phố, sẽ có nhiều công nhân, lao động được nghe tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản cho bản thân.
Bài và ảnh: PHAN HÀ