.

Cho trẻ mùa hè đúng nghĩa

.

Mùa hè của hầu hết trẻ em thị thành ngày nay trở thành cuộc chạy “sô” từ lớp học này qua lớp học khác. Một phụ huynh nói rằng, chỉ còn 1,5 tháng nữa bắt đầu năm học mới nên phải cho con chạy đua kẻo thua bạn thua bè.

Học kỹ năng sống có vai trò quan trọng với trẻ. TRONG ẢNH: Học viên Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội học cách tự xếp quần áo.
Học kỹ năng sống có vai trò quan trọng với trẻ. TRONG ẢNH: Học viên Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội học cách tự xếp quần áo.

Học theo kiểu “chạy sô”

Chị Phan Thu Thanh (30 tuổi, ở quận Liên Chiểu) mấy hôm nay tất bật, luôn chực chờ canh giờ đưa đón con gái đang học lớp 4 tới lớp học thêm hè. “Sáng thứ 3, 5, 7 thì học văn hóa; thứ 2, 4, 6 luyện chữ đẹp; tối thứ 7 và chủ nhật học Anh văn”, chị Thanh kể.

Cũng vì chuyện này, dạo gần đây vợ chồng chị Thanh thường xuyên lục đục. Dù vậy, chị vẫn quả quyết: “Cứ để cô giáo dạy, mình dạy con thì con có nghe đâu. Ông bà ta nói “bụt chùa nhà không thiêng” là vì thế”.

So với bạn bè đồng trang lứa, xem ra lịch học của con chị Thanh vẫn còn… thư thả. Nhiều em bị bố mẹ ép học tới mức không có thời gian lĩnh hội kiến thức, thời gian làm bài tập vì bận… lên lớp học. Nhưng kết quả học tập của các em ngày càng sa sút, trong khi bố mẹ thắc mắc vì không hiểu tại sao con mình càng học càng kém (!?).

Một phụ huynh X. giấu tên tâm sự rằng, sai lầm lớn nhất của chị là đã “lấy thành tích học tập của con làm món trang sức cho mình”. Vất vả lắm mới sinh được hai đứa con (một gái, một trai) nên vợ chồng chị X. đặt kỳ vọng rất lớn. Giai đoạn tiểu học và giữa những năm THCS, con chị X. đều thuộc tốp đầu của lớp, trường.

Khi con bước sang lớp 8, với suy nghĩ cần phát huy hết tố chất tiềm ẩn nên bên cạnh học kèm Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, vợ chồng chị còn cho con đi học đàn piano, học múa bale, học bơi, học bóng rổ. Dù ngày hè hay trong năm học, lịch học của hai cháu mỗi ngày đều bắt đầu từ 7 giờ đến 21 giờ. Hậu quả là từ những đứa trẻ nhanh nhạy, nói đâu nhớ đấy, hai con chị nay tiếp thu rất chậm, kiến thức như “nước đổ lá môn”.

Học kỹ năng - học làm chủ cuộc đời

Một thực tế là đa số bố mẹ Việt hiện nay xem trọng việc nâng cao trí tuệ cho con hơn là nâng cao kỹ năng sống. Trong khi đó, theo các chuyên gia tâm lý, việc “nhốt” trẻ vào quỹ đạo ăn - học - ngủ sẽ làm mất bản năng tự chủ, dập tắt tư duy phản ứng cũng như sự mẫn cảm, cảm xúc của trẻ trước cuộc sống. Điều này khiến trẻ như “gà công nghiệp”, “không có sức đề kháng” khi bị kẻ xấu lợi dụng.

Hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng sống với trẻ nên vào dịp hè, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức Học kỳ quân đội dành cho học sinh từ 12-18 tuổi nhằm góp phần định hướng nhân cách, kỹ năng sống, hoạt động xã hội, giúp thanh - thiếu niên trưởng thành, có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa được sự quan tâm của phụ huynh khi suốt 8 năm qua, số lượng học viên đăng ký mỗi năm chưa khi nào vượt quá 100 em.

Tại Đà Nẵng, số lượng trung tâm chuyên phát triển kỹ năng sống cho thanh - thiếu niên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội (Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng) là một trong số ít cơ sở bám trụ dài hơi với lĩnh vực này. Bằng các chương trình giáo dục, huấn luyện kỹ năng sống “học mà chơi, chơi mà học”, Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội chủ trương giúp các bạn nhỏ khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, rèn luyện những kỹ năng cơ bản để tự lập, tự tin, tự chủ cho cuộc sống của mình.

Trò chuyện cùng phóng viên, mặc dù ánh mắt của em Mai Khôi Nguyên (8 tuổi, học sinh Trường TH Huỳnh Ngọc Huệ) vẫn né tránh, lời nói không trôi chảy (em vốn bị hạn chế vùng ngôn ngữ) nhưng theo anh Đồng Xuân Tứ, Giám đốc Trung tâm, thì “đã khác một trời một vực so với ngày đầu”.

Theo anh Tứ, việc học sinh thích văn mẫu, dửng dưng khi nhìn bạn bè mình bị đánh hội đồng, vô cảm trước điều xấu…, nguyên nhân một phần từ việc bị ép học quá nhiều. “Áp lực học tập quá lớn sẽ làm suy giảm thể lực, suy yếu tâm hồn của trẻ. Thiếu kiến thức nhưng có kỹ năng, kỹ năng sẽ bổ trợ, thúc đẩy tư duy tìm tòi của các em. Ngược lại, có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, các em chỉ như “gà công nghiệp”. Kỹ năng sống có vai trò quan trọng số 1 với trẻ”, anh Tứ chia sẻ.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.