Chính trị - Xã hội
Nhà báo phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện(*)
Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào các đại biểu.
Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây: Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội báo chí lần thứ III. |
Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay, đã có hơn 150 tờ báo các loại. Theo ý tôi thì tăng hơi nhiều quá. Từ nay, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó. Những nghị quyết của Trung ương Đảng đã nói rõ về điều đó. Nay tôi chỉ nói tóm tắt vài điểm.
Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.
Hiện nay, ở miền Bắc nhiệm vụ của chúng ta là: phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Diệm bán nước; đấu tranh giành cơm áo, tự do và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trên thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; đấu tranh cho hòa bình thế giới, cấm vũ khí nguyên tử và giải trừ quân bị.
Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta.
Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.
Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm.
Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình.
Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi.
Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo.
- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.
- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.
- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.
- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.
- Lộ bí mật.
- Có khi quá lố bịch.
- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.
Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng, thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Độc lập, Tự do, Giai cấp, Cộng sản, v.v… Còn những tiếng ta có, vì sao không dùng, mà cũng mượn chữ nước ngoài? Ví dụ:
Không gọi xe lửa mà gọi “hỏa xa”; máy bay thì gọi là “phi cơ”. Nhà nước, hoặc nước nhà thì gọi là “quốc gia”, đường lớn thì gọi là “đại lộ”, vẻ vang - “quang vinh”, giúp nhau - “hỗ trợ”. Và có hàng vạn cái mượn như vậy.
Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?
Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.
Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
Viết cho ai xem?
Viết để làm gì?
Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.
Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.
Hiện nay, các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (Nghị quyết của Bộ Chính trị, 8-12-1958).
Lời ngắn, ý dài. Cuối cùng chúc các cô, các chú: Đoàn kết, phấn khởi, cố gắng và tiến bộ!
(*) Tít đề do Tòa soạn đặt