Chính trị - Xã hội
Tạo điều kiện di dời mồ mả khỏi khu vực quân sự
Sáng 18-6, tại Tiểu đoàn 6 thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 5 đã phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, chính quyền địa phương, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tiến Thanh tổ chức họp với các hộ dân có liên quan đến việc khai thác đất ảnh hưởng mồ mả ở Nghĩa trủng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ để thông báo Kết luận số 106/TB-BTLQK5-UBND của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và UBND thành phố Đà Nẵng (gọi tắt Kết luận 106) về hướng giải quyết vụ việc.
Qua buổi họp, các bên đã tìm được tiếng nói chung trong hướng giải quyết hậu quả.
Xây dựng mộ tập thể để thờ cúng
Sau khi nghe Đại tá Phan Văn Hạng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, thông báo toàn văn Kết luận 106, đại diện các hộ gia đình dự họp đã phát biểu ý kiến bày tỏ quan điểm về việc giải quyết hậu quả của vụ việc.
Ông Nguyễn Lộc (trú tổ 14D, phường Hòa Phát) cho biết, gia đình ông ở mảnh đất này đến nay là đời thứ 5 và sau khi người thân qua đời đều chôn cất ở khu vực đất Nghĩa trủng Nghi An. Có 16 ngôi mộ người thân gia đình ông được chôn cất ở đây, sau khi DNTN Tiến Thanh khai thác đất đã xúc đi 8 ngôi mộ, khiến con cháu trong gia đình rất bức xúc. Bây giờ, hài cốt không còn, rất khó tìm được. Vì vậy, cần có giải pháp trùng tu khu vực này để con cháu chúng tôi có chỗ thờ cúng ông bà.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Giao (92 tuổi, trú phường Hòa Phát) nói thêm: Hồi khu vực này chưa bị múc đất, 40 ngôi mộ của người thân trong gia đình tôi vẫn còn. Nay hiện trạng đất bị múc sâu hoắm, hài cốt đã bị xúc mang đi. Tôi cũng như những người dân Việt Nam khác rất trọng lễ nghĩa, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý.
Theo ông Ngô Đằng, Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An, sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng Quân khu 5 và thành phố Đà Nẵng đã vào cuộc xử lý nên người dân cũng yên tâm, tin tưởng và chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, một số mồ mả bị xúc đi hết rồi, khắc phục kiểu sao? Ông Đằng cho rằng, đằng nào chuyện cũng đã lỡ xảy ra, nhưng để người dân được an ủi, ấm lòng, các cơ quan chức năng cần chỉ đạo DNTN Tiến Thanh đến những nơi đã san lấp công trình, chở lại một xe đất trước đó đã múc ở khu vực có mồ mả về để làm khu mộ tập thể, làm nơi thờ cúng cho bà con.
Trước ý kiến này của ông Ngô Đằng, nhiều người dân dự họp đã bày tỏ sự đồng tình. Họ cho rằng, do hài cốt chôn quá lâu, nhiều mộ không còn xương cốt, nên lấy phần đất có mồ mả đã bị xúc đi về chôn cất tượng trưng.
Cùng chung tay giải quyết hậu quả
Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, cho rằng đến nay việc xây dựng bờ kè khu miếu Âm linh vẫn chưa thực hiện kỹ, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra trong mùa mưa. Vì vậy, DNTN Tiến Thanh phải hoàn thành việc này theo chỉ đạo của UBND thành phố. Bên cạnh đó, tiến hành trùng tu khu miếu Âm linh để hằng năm người dân thờ phụng, cũng tế.
Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khu vực bị xúc đất trước đây không chỉ có khu miếu Âm linh, mà còn là khu vực nghĩa địa của người dân làng Nghi An. Việc các bô lão nói đây là nơi chôn cất nghĩa sĩ thời chống Pháp thì chưa có tài liệu lịch sử nào chứng minh. Nhưng việc nơi đây là khu vực mồ mả, có hài cốt của người dân thì có cơ sở.
Theo quan điểm của ông Hoàng, để khắc phục hậu quả vụ việc, các cơ quan chức năng, DNTN Tiến Thanh và các hộ dân làng Nghi An cần chung tay, hợp sức. Trước mắt là thực hiện việc tôn tạo khu miếu Âm linh để làm nơi thờ cúng, xây dựng khu mộ chung, rồi sau đó tiến hành tổ chức lễ cầu siêu. Vì đây là khu vực đất quân sự nên những ngôi mộ của người dân còn ở khu vực này, nếu bà con có nguyện vọng di dời đi nơi khác để tiện việc hương khói, thì Sở LĐ-TB&XH sẽ tạo điều kiện cho bà con đưa hài cốt người thân về Nghĩa trang xã Hòa Sơn.
Cuối buổi làm việc, Đại tá Phan Văn Hạng bày tỏ mong muốn người dân chung tay với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác khắc phục hậu quả, bởi sự việc xảy ra như trên là điều không ai muốn.
NGỌC ĐOAN