Chính trị - Xã hội

Trăn trở với nghề

14:18, 20/06/2015 (GMT+7)

Là phóng viên, tôi luôn trăn trở mỗi ngày làm sao mở rộng kiến thức, có những bài viết sinh động, sắc bén hơn và có nhiều đề tài phong phú, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc…

Phía sau một phiên tòa không chỉ là số phận của bị cáo mà còn là cuộc đời của nhiều người khác.
Phía sau một phiên tòa không chỉ là số phận của bị cáo mà còn là cuộc đời của nhiều người khác.

Nhiều điều để nghĩ, để suy, nhưng trăn trở lớn nhất của tôi là liệu ống kính và ngòi bút của mình có vô tình làm tổn thương người khác.

Tôn trọng nhân phẩm bị cáo

Trong thời gian gần 3 năm làm báo ở thành phố Hồ Chí Minh và gần 1 năm làm việc tại Báo Đà Nẵng, tôi gắn bó nhiều với mảng pháp đình. Công việc buộc tôi phải đến tòa, quan sát, ghi chép diễn biến các phiên xử, phỏng vấn những người liên quan (bị cáo, bị hại, người nhà hai bên) và… chụp ảnh bị cáo.

Khi thấy ống kính phóng viên, nhiều bị cáo tỏ thái độ bình thản, lạnh lùng, nhưng đa số bị cáo lựa chọn cách cúi đầu, che mặt bởi xấu hổ. Hiển nhiên, không ai muốn phơi bày cái xấu của mình và người thân trên mặt báo nên phóng viên pháp đình chúng tôi không ít lần nhận những lời mắng chửi, đe dọa hành hung, thậm chí giật máy ảnh.

Lạ thay, những khi ấy, tôi không hề sợ hãi. Vậy mà, đôi khi, chỉ một lời trách móc nhẹ nhàng, một giọt nước mắt tủi hổ của người nhà bị cáo (dẫu không dành cho tôi) lại khiến tôi áy náy thật nhiều. Như lời khẩn cầu của một người mẹ có con phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: “Làm ơn đừng chụp hình con tôi. Cháu còn cả quãng đời dài sau khi ra tù nữa…”. Hay tiếng nấc nghẹn ngào của người vợ có chồng phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản”: “Rồi con em sẽ sống sao đây khi bao nhiêu dị nghị, gièm pha đổ lên đầu tụi nhỏ?...”.

Nhiệm vụ đặc thù của nghề nghiệp khiến chúng tôi bất đắc dĩ phải ghi hình bị cáo để phản ánh chân thật một tác phẩm báo chí. Thế nhưng, với hành vi sai trái của mình, họ phải đối mặt với phán quyết của pháp luật nhưng không có nghĩa là không còn nẻo thiện để quay về, làm lại cuộc đời.

Vậy nên, tôi thường có thói quen đứng từ xa, zoom ống kính máy ảnh để ghi hình khuôn mặt bị cáo ở hướng nghiêng, hoặc chụp ảnh sau lưng những bị cáo dưới 18 tuổi, thậm chí nhờ Tòa soạn làm mờ gương mặt bị cáo hoặc sử dụng hình ảnh minh họa cho bài viết. Dưới ống kính của mình, tôi luôn cố gắng tôn trọng nhân phẩm của bị cáo trong phạm vi bản thân có thể.

Cẩn trọng trên từng trang viết

Trước khi tham dự phiên tòa, tôi thường tham khảo về nội dung vụ án, được các đồng nghiệp ghi nhận ngay tại thời điểm xảy ra (nếu có) để có sự chuẩn bị tác nghiệp tốt nhất. Tuy nhiên, thông tin ban đầu đôi khi có vài chỗ chưa chính xác do đang trong quá trình điều tra. Có lần, tôi nhận được lời trách móc của người nhà bị cáo lẫn bị hại trong một vụ án “Giết người”.

Nội dung vụ án như sau: Bị cáo bị cấp trên đuổi việc nên nghi ngờ một nữ đồng nghiệp từng có mâu thuẫn với mình trước đó tố cáo, xúi giục. Tức tối, bị cáo mang theo dao, chặn đầu xe của đồng nghiệp đó để nói chuyện “phải trái”. Lời qua tiếng lại, bị cáo đâm bị hại bị thương.

Chuyện chỉ có vậy nhưng không hiểu vì sao thông tin ban đầu lại viết giữa bị cáo và bị hại có mối quan hệ đồng tính, ghen tuông nên dùng dao đâm. Suốt phiên xử hôm ấy, chồng của bị cáo và bị hại cứ tấm tức với tôi: “Vợ tôi có chồng, có con hẳn hoi, gia đình tôi rất hạnh phúc. Sao nhà báo lại viết như vậy khiến tôi và con tôi xấu hổ, không biết giải thích, nhìn mặt với bà con, chòm xóm ra sao…”.

Dẫu không phải là người đưa thông tin kia nhưng cảm giác day dứt vẫn đeo bám tôi. Và câu chuyện trên luôn nhắc nhớ tôi phải luôn cẩn trọng trong từng câu chữ, trên từng trang viết để không vô tình làm tổn thương người khác…

NAM BÌNH

.