Chính trị - Xã hội
Sự gặp gỡ giữa văn chương, báo chí và hội họa
Tác phẩm đồ họa trên báo thường gắn với nội dung các bài báo, truyện ngắn, tản văn, thậm chí là cả một vấn đề mà nhiều bài báo đề cập… Các tác phẩm minh họa này đã góp phần làm nên sức mạnh chỉnh thể của tác phẩm báo chí ở cả giá trị thông tin và thẩm mỹ. Nếu đứng độc lập, tranh minh họa vẫn mang đầy đủ giá trị của một tác phẩm hội họa.
Họa sĩ Hoàng Đặng. |
Cùng với sự phát triển của báo chí về số lượng ấn phẩm, hiện nay đội ngũ họa sĩ vẽ tranh minh họa ngày một nhiều. Hầu như tờ báo nào cũng có họa sĩ vẽ tranh minh họa, có người ăn lương của báo, có người là cộng tác viên như họa sĩ Hoàng Đặng ở Báo Đà Nẵng. Có thể nói họ có tài năng cả về tư duy lẫn trình độ kết hợp giữa vẽ bằng tay và đồ họa trên máy, khiến mỗi tác phẩm minh họa, mỗi tờ báo có bản sắc riêng, khó lẫn giữa nhiều tờ báo khác.
Trong lịch sử phát triển của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, và Báo Đà Nẵng hiện nay, các họa sĩ vẽ minh họa cho tờ báo thường là nhân viên công tác tại phòng Tòa soạn. Có người được đào tạo ở trường mỹ thuật, có người không, nhưng bằng trách nhiệm và tình yêu với tờ báo, những tác phẩm minh họa cho bài báo đã hỗ trợ rất lớn trong việc tuyên truyền, đưa nội dung thông tin đến bạn đọc. Vẽ minh họa trên báo vì thế luôn là mảnh đất đầy sáng tạo cho các họa sĩ và “nói” được rất nhiều điều mà đôi khi các bức ảnh chụp không thể hiện được.
Theo các họa sĩ thì “tranh minh họa” thường bị xem “nhẹ” hơn tác phẩm nghệ thuật nhưng nó vẫn mang đầy đủ tố chất từ bố cục, đường nét, mảng khối của một họa phẩm. Những tác phẩm báo chí, văn chương tạo cho các họa sĩ cảm hứng sáng tạo hội họa và ngược lại, tác phẩm hội họa giúp người đọc, người xem gợi mở những ẩn ý của câu thơ, câu văn. Do đó, đọc để vẽ là phải đọc thật kỹ. Một câu chuyện, một bút ký, một tản văn “in được trên báo”, không gian và tình huống trong đó luôn sinh động bằng những chi tiết. Có khi, một vài chi tiết nào đó, rất nhỏ, nhưng là then chốt của bài viết.
Người vẽ minh họa chọn lọc chi tiết để tạo hình. Và muốn vẽ hay thì phải hiểu người viết. Nhưng hầu như họa sĩ không thể gặp và biết được nhà văn như thế nào, thiếu đi mối giao hòa này cũng là một thiếu sót trong chuyển tải tác phẩm chữ bằng tác phẩm hội họa. Bởi thế họa sĩ phải đọc không chỉ một mà rất, rất nhiều lần một truyện ngắn, một tản văn, hiểu được nhà văn muốn nói cái gì, mới có thể vẽ minh họa cho nó. Mối liên kết chặt chẽ, thú vị giữa báo chí, văn chương và hội họa nằm ở đó.
Trước, khi chưa có máy móc hỗ trợ, tranh minh họa thường được vẽ tay. Anh Nguyễn Văn Hóa, bộ phận kỹ thuật Phòng Tòa soạn Báo Đà Nẵng nói rằng, ngày xưa để minh họa ảnh bìa, truyện ngắn, anh phải ngồi vẽ bằng tay cả buổi mới xong. Vào thời kỳ làm báo sắp chữ chì, in typo thì minh họa cho bài báo thường có ảnh hoặc minh họa. Để chèn ảnh hoặc minh họa vào bài báo thì công nhân sắp chữ phải chừa khoảng trống trong khuôn chữ vừa đúng kích thước của ảnh hoặc minh họa.
Trong in typo, chữ chì, nhân viên phải áp dụng kỹ thuật xử lý ảnh bằng cách dùng phương pháp xối ảnh kẽm (ảnh được chụp, sang qua tấm kẽm, xử lý hóa chất và xối a-xít cho ăn mòn phần kim loại không có điểm ảnh). Còn minh họa thì vẽ trên giấy đề-can, sau đó thợ khắc gỗ sẽ sao hình minh họa qua miếng gỗ mềm (gỗ mít) và khắc… Hiện nay nhờ máy vi tính, nhờ các phần mềm hỗ trợ vẽ, họa sĩ đỡ công khó nhọc hơn nhiều, việc xử lý một bức vẽ minh họa cũng dễ dàng hơn.
Ấn phẩm Đà Nẵng cuối tuần của Báo Đà Nẵng với tính chất của một tờ báo mang tính văn nghệ nên hầu như mỗi số báo đều có ít nhất 2-3 hình vẽ minh họa, do họa sĩ Hoàng Đặng phụ trách liên tục khoảng 10 năm qua. Trước đó, từ cuối năm 1975, người cựu sinh viên Mỹ thuật Huế này là người trình bày và minh họa tại tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng. Có những số báo có các chuyên đề xã hội mà ảnh chụp không thể thực hiện được vì lý do tế nhị, vì góc chụp của bức ảnh không nói hết được điều cần nói… trang bìa phải cần được vẽ minh họa. Thế là họa sĩ Hoàng Đặng phải ngồi đọc 4-6 bài báo về cùng một vấn đề, mới có thể thực hiện được ảnh bìa. Như chuyên đề Câu chuyện sau ly hôn, hay mới đây nhất là chuyên đề Ẩn họa từ Internet… Thời gian để vẽ một tác phẩm minh họa cũng không có nhiều, đôi khi chỉ có một buổi để hoàn thành, thỉnh thoảng biên tập viên “đặt hàng” trước cho anh chừng một tuần, thời gian đó đủ để họa sĩ chiêm nghiệm, suy nghĩ về câu chuyện sẽ được thể hiện bằng nét bút.
Khoảng hơn 2 năm nay, Trang Đầu tuần trên tờ Đà Nẵng phát hành ngày thứ hai hằng tuần, tập trung một số bài viết mang tính văn hóa-văn nghệ, in màu, diện tích khổ báo rộng nên những tác phẩm minh họa của họa sĩ Hoàng Đặng càng có đất để diễn đạt ý tưởng. Hay ở ấn phẩm báo Xuân vào dịp Tết hằng năm, họa sĩ phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để mỗi minh họa mang “tầm” cao hơn do mỗi bài thơ, truyện ngắn đăng ở tờ báo này cũng được nhà văn, nhà thơ đầu tư chất lượng hơn. Nhiều minh họa có thể đứng độc lập như một tác phẩm hội họa.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng, chuyên về mảng đồ họa, ấn loát của Báo Đà Nẵng, cho biết là giới họa sĩ ở Đà Nẵng cũng như khắp miền Trung xem họa sĩ Hoàng Đặng là nhân vật số 1 của vẽ minh họa. “Có một số họa sĩ chỉ vẽ minh họa trên máy vi tính, riêng họa sĩ Hoàng Đặng thường vẽ bằng tay, sau đó mới quét vi tính đổ màu. Tố chất của ông cao hơn người vẽ bằng máy vi tính rất nhiều”.
Họa sĩ Hoàng Đặng kể một kỷ niệm vui khác, khi trình bày trang bìa số chuyên đề “Quảng Nam hay cãi” trên tờ Đà Nẵng cuối tuần tháng 8-2012: Ban Biên tập yêu cầu tôi vẽ tranh minh họa cho trang bìa. Muốn có chi tiết cho bản vẽ này thì tự tôi… phải tìm lấy. Chọn hai nhân vật không tương đồng, có đẳng cấp khác nhau (mới có chuyện để cãi)… là việc không đến nỗi khó nhưng làm thế nào trong loại tranh minh họa không lời giải thích như thế nào để lột tả được hai nhân vật ấy “đích thị” là dân Quảng Nam chính hiệu (không nhầm với người Quảng Ngãi hay… Quảng Trị) mới là điều khó cho họa sĩ. Lúc đó anh phải nghiên cứu nét vẽ của các họa sĩ khác từng vẽ người Quảng Nam. Có thể nói, không đủ chi tiết thì tranh minh họa trở nên gượng ép, vô hồn và sẽ lạc xa nội dung câu chuyện.
Hiền Lương