.

Khi vợ chồng có quyền quyết định số con

.

Dự thảo Luật Dân số đề xuất cho các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh đang tạo nhiều luồng dư luận trái chiều.

Tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên.
Tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên.

Ước tính dân số Việt Nam khoảng 97-98 triệu người vào năm 2020, trong khi diện tích chỉ hơn 330.000km2 thì quy mô dân số này là quá tải. Quy mô dân số tăng nhanh do “nới lỏng” để người dân “sinh theo ý muốn”, cộng với diễn biến của biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày càng dâng cao, đất ở cũng như đất sản xuất bị thu hẹp là điều nguy hiểm.

Tuy nhiên, có luồng dư luận cho rằng, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước châu Âu là những ví dụ điển hình về vấn đề để mức sinh xuống quá thấp sẽ không thể nào vực dậy được. Đó là bài học để Việt Nam kiên trì mục tiêu quan trọng của công tác dân số là duy trì mức sinh hợp lý, tức không để mức sinh giảm quá thấp và cũng không để mức sinh tăng trở lại.

Trong những năm qua, ngành dân số các cấp luôn quan tâm mục tiêu giảm sinh để duy trì mức sinh thấp hợp lý đã được lựa chọn trong Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) Việt Nam, giai đoạn 2011-2020.

Năm 2014, dân số Việt Nam là 90,5 triệu người, tổng tỷ suất sinh luôn dưới mức sinh thay thế kể từ năm 2006 là dưới 2,1 con/bà mẹ. Tuy nhiên, mức sinh này có sự khác biệt giữa các vùng. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược là duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt. Nếu thực hiện tốt thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức cao nhất khoảng 115 triệu người vào năm 2049.

Điều đó có nghĩa là quy mô dân số hợp lý, phù hợp với diện tích lãnh thổ, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động; làm chậm thời gian chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số và dân số già, tạo thêm điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước hiện tại và tương lai.

Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, nhiều người dân sống ở thành phố không dám sinh đông con nên không quy định sinh bao nhiêu con thì người ta cũng không sinh nhiều. Nhìn lại, dân số sống ở thành thị hiện chỉ chiếm 33%, còn lại là ở nông thôn.

Tâm lý và tập quán của người dân trong xã hội nông nghiệp chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến về việc sinh con, muốn đông con, phải có con trai để “nối dõi tông đường”. Tư tưởng này còn rất nặng nề. Đây chính là nguyên nhân khó khăn, phức tạp và lâu dài đối với việc thực hiện mục tiêu cặp vợ chồng nên sinh 2 con, bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tại Đà Nẵng, năm 2012 có 15.471 trẻ sinh, trong đó có 1.176 trẻ sinh 3 trở lên; năm 2013 có 14.347 trẻ sinh, trong đó có 973 trẻ sinh 3 trở lên; năm 2014 có 14.312 trẻ sinh, trong đó có 902 trẻ sinh 3 trở lên.

Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược DS-SKSS tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng có quy mô dân số dưới hoặc bằng 1,2 triệu người.

Đà Nẵng đã tích cực thực hiện các chính sách hợp lý về dân số, trong đó luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xem đây là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ và chính quyền các cấp.

Các chính sách về dân số được thực hiện đồng bộ từ chăm sóc SKSS, y tế đến phát triển kinh tế, đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội… Tính đến ngày 31-12-2014, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.008.710 người và kế hoạch DS-KHHGĐ đặt ra đến năm 2015 đã đạt được các mục tiêu chủ yếu.

Trong đó có chất lượng dân số, chất lượng nguồn lực để đáp ứng với nhu cầu của thành phố. Đà Nẵng luôn là thành phố đạt về quy mô dân số và duy trì được mức sinh hợp lý. Đây cũng chính là bước đi đúng đắn của một thành phố trẻ.

Quyền quyết định sinh con của người dân luôn được Đảng và Nhà nước tôn trọng, không tách rời với quyền con người. Để bảo đảm đạt mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước, mọi tầng lớp nhân dân cần hưởng ứng, tự nguyện chấp nhận, thực hiện các mục tiêu của cuộc vận động lớn về DS-KHHGĐ vì lợi ích chung và lợi ích của chính người dân.

Kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy tốt, mỗi gia đình nên sinh 2 con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và quy mô dân số. Đó cũng là mục tiêu của chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số…, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.