Chính trị - Xã hội
Niềm tin cuộc sống
Những lời nói tận đáy lòng của ông Phạm Xong (ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), gia đình có 2 người con bị nhiễm chất độc da cam, tại lễ tổng kết và phát động phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam 2015” diễn ra hồi đầu năm nay khiến cả hội trường xúc động.
“Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đã cho chúng tôi niềm tin cuộc sống, niềm hy vọng vào tương lai, khơi dậy trong mỗi chúng tôi ý chí vượt qua khó khăn, xua tan mặc cảm để có thể nở nụ cười”, ông Xong nói.
Suy nghĩ về Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đối với ông Xong cũng như nhiều gia đình nạn nhân da cam khác được cắt nghĩa giản dị. Họ không hiểu hết về ý nghĩa chính trị, cũng không biết rõ bộ máy hoạt động của hội. Với họ, hội là ngôi nhà tình nghĩa; là cơ sở nuôi dưỡng, phục hồi chức năng; là những viên thuốc lúc ốm đau; là những món quà ngày lễ, Tết; là những lời động viên, an ủi kịp thời và cho họ niềm tin cuộc sống.
Chính niềm tin đã giúp ông Xong vượt qua nỗi đau về hai con bại liệt do chất độc da cam, chèo chống những khó khăn để ổn định cuộc sống bằng đàn bò giống và cây trồng do hội hỗ trợ. Niềm tin cuộc sống cũng đã giúp nhiều em bé mang trong mình di chứng chất độc da cam như Ly, Mừng, Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) vững bước trên con đường đến trường bằng những suất học bổng do hội vận động hỗ trợ.
Và còn nhiều lắm niềm tin như thế được nhân lên bằng những tấm lòng để cùng chung tay hỗ trợ các nạn nhân da cam. Bởi lẽ, cũng vì có niềm tin nên nhiều cá nhân, tổ chức đã đến để chung tay với hội giúp nạn nhân da cam như: Công ty TNHH Việt Hương, Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Ân Điển… Và còn rất nhiều đơn vị, cá nhân âm thầm, lặng lẽ góp chút sức nhỏ của mình...
Niềm tin vào lẽ phải, chân lý, vào những điều tốt đẹp đã khiến nhiều cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam, tìm đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng để mong làm được nhiều điều hơn nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, cũng là để sám hối quá khứ của mình.
“Việt Nam bây giờ đã là nhà của tôi. Tôi chỉ mong góp phần còn lại của cuộc đời để giúp nạn nhân da cam”, đó là tâm sự của ông Chuck Palazzo, cựu binh Mỹ. Ông Palazzo đã trở thành một trong những hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng và có nhiều hoạt động giúp đỡ trẻ em da cam. Với ông, Đà Nẵng - Việt Nam hôm nay đã đổi khác với diện mạo đẹp đẽ, hiện đại và đang phát triển từng ngày. Thế nhưng, ở đó vẫn hằn lên nỗi đau mang tên da cam.
Ông Palazzo tâm sự: Ở đây, ông vẫn được chào đón như một vị khách quý từ xa trở về. Niềm tin vào chân lý, vào những điều tốt đẹp trong con người, ngay cả với những người từng lầm lỗi, đã giúp họ quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Có niềm tin, người ta có thể làm được nhiều điều và ông Palazzo tin như thế. Riêng ông mỗi năm đều cùng nhiều cựu binh Mỹ và những người yêu hòa bình trên thế giới đến Việt Nam để chia sẻ, giúp các nạn nhân da cam và gia đình của họ ổn định cuộc sống.
PHƯƠNG TRÀ