Chính trị - Xã hội

Khai mạc phiên họp thứ 39 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13

14:28, 14/07/2015 (GMT+7)

Sáng 14-7, phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp 39 diễn ra trong 1 ngày, có nhiệm vụ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, kỳ họp 9 là kỳ họp được lòng dân, gần dân, phát huy đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và đổi mới. Với tinh thần làm việc trách nhiệm cao, sự tận tâm, tận lực của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan, kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành tốt lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng.

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là kỳ họp quan trọng, thảo luận và thông qua số lượng lớn dự án luật, đồng thời xem xét các vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong 1 năm…

Cụ thể hóa Hiến pháp 2013

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.

Đánh giá về kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều ý kiến khác nhấn mạnh kết quả của kỳ họp thứ 9 tiếp tục góp phần thiết thực đưa Hiến pháp vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri cả nước, được nhân dân đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá kỳ họp 9 đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, quan trọng như biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và rất nhiều nội dung khác…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo cần có những đánh giá mang tính khái quát hơn trong nội dung về công tác lập pháp, qua đó thể hiện được tinh thần khẩn trương, quyết liệt của Quốc hội trong việc cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường tính tranh luận tại các phiên thảo luận về các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, các phiên thảo luận về các dự án luật, qua đó tăng tính hấp dẫn, chất lượng qua từng phiên thảo luận. Khi thảo luận tại hội trường về các dự án luật, cần tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả, chất lượng thảo luận…

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật. Xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2016.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.

Tại kỳ họp 10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Chính phủ báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.

Chất vấn và trả lời chất vấn, kết hợp với xem xét báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015. Tại kỳ họp, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014; thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng khác...

Các ý kiến cho rằng với khối lượng công việc rất lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 cần được làm thật tốt, qua đó đảm bảo được chất lượng và thành công của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 10 cần được chuẩn bị kỹ lưỡng vì ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của cả kỳ họp. Đối với các dự án luật, công tác chuẩn bị cần coi trọng chất lượng, kiên quyết cho dừng hoặc lùi các dự án luật nếu chuẩn bị chưa kỹ, chưa đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại các phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét các dự án luật dự kiến sẽ trình và thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 10 để kịp tiến độ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cuối tháng 8-2015 cần có hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để xem xét, cho ý kiến cụ thể vào các dự án luật.

Đối với công tác chất vấn tại kỳ họp thứ 10, dự kiến sẽ chất vấn và trả lời chất vấn, kết hợp với xem xét báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015. Xuất phát từ đặc thù của kỳ họp, chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể về cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ 10.

Tán thành kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13

Thời gian còn lại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Kế hoạch triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

Dự thảo kế hoạch tổng kết nêu rõ, việc tổng kết cần đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ; rút ra bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Dư thảo kế hoạch cũng kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan khác giúp việc của Quốc hội; các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và triển khai các luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử.

Tán thành với chủ trương tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng dự thảo cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó làm rõ hơn những yêu cầu đặt ra trong quá trình tổng kết.

Nhấn mạnh trọng tâm của tổng kết là đánh giá về đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các ủy ban, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ qua tổng kết cần phải đánh giá, rút ra được vấn đề và có những đề xuất cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua kế hoạch tổng kết và tán thành việc thành lập ban tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13.

Theo Vietnam+

.