Chính trị - Xã hội
Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em
Thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra một số vụ trẻ em gặp tai nạn khi bơi ở hồ. Tháng 8 vừa qua, một cháu bé 12 tuổi đã qua đời sau hơn nửa tháng được cứu chữa tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi vì bị điện giật trong hồ bơi của một resort 5 sao trên đường Trường Sa.
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trong tháng 6 và tháng 7 có 2 ca nhập viện và 4 ca khám vì đuối nước, nạn nhân đều là trẻ em.
Gần đây, tại một khách sạn 4 sao trên đường Ngô Quyền, một khách du lịch 7 tuổi bị đuối nước khi trượt chân từ hồ bơi trẻ em sang hồ người lớn. Cháu bé được cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Hiện nay, ở Đà Nẵng có một vài khách sạn mở cửa hồ bơi dành cho khách lưu trú để các huấn luyện viên dạy bơi ngoài khách sạn vào dạy học. Một huấn luyện viên có kinh nghiệm dạy bơi cho biết, hầu hết khách sạn cho phép sử dụng hồ để dạy bơi không có nhân viên cứu hộ. Trong khi đó, khách sạn, resort chỉ dùng hồ bơi cho khách lưu trú luôn có lực lượng cứu hộ trực 24/24 giờ.
Huấn luyện viên bơi Lê Thị Bông thuộc CLB đua thuyền Bình Phước, có kinh nghiệm 4 năm dạy bơi cho trẻ em và người lớn, lưu ý phụ huynh không nên để con tự học bơi hay tự chơi với nước. Nếu trẻ ngã trong hồ mà không đứng dậy được thì dù nước cạn vẫn có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Theo bác sĩ Lê Thanh Cẩm, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi, những người vừa ăn no, sử dụng chất kích thích hoặc trẻ em có tiền sử bệnh tim, động kinh không nên xuống nước. Điều này cần được đặc biệt chú ý đối với khách du lịch, vì họ thường háo hức xuống tắm mà không để ý đến tình trạng sức khỏe của mình.
Nếu không may bị đuối nước, phải ngay lập tức cấp cứu tại mép nước trong “thời gian vàng” 5 phút. Theo bác sĩ Cẩm, nếu qua thời gian này sẽ khó cứu chữa. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, phải thực hiện hô hấp nhân tạo. Việc cấp cứu phải được thực hiện liên tục kể từ khi đưa người bị đuối nước lên bờ cho đến lúc đưa vào bệnh viện. Thậm chí, nếu sau sơ cứu tại chỗ, người bị đuối nước có thể hô hấp lại bình thường thì vẫn phải đưa vào bệnh viện để liên tục theo dõi trong 24 giờ, đề phòng vẫn còn nước bẩn trong cơ thể.
Huấn luyện viên Lê Thị Bông chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ: ngay sau khi đưa người bị đuối nước lên bờ, phải giữ im lặng nhất có thể để tránh hiện tượng “bị ức”, có thể dẫn đến thổ huyết. Nạn nhân cần được bồng xốc thẳng đứng, chân cao hơn đầu để đưa nước ra khỏi người. Nếu nạn nhân được đặt nằm thì phải nằm tư thế nghiêng để tránh dịch bị tràn ngược vào trong phổi.
KHANG NINH