Chính trị - Xã hội
Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Đà Nẵng không buộc mua 15 tháng
Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) vẫn phát hành theo năm học 2015-2016. Phát hành thẻ đợt 1 có giá trị sử dụng từ ngày 1-10-2015 đến 30-9-2016 vẫn bảo đảm đúng quy định.
Học sinh, sinh viên tham gia BHYT là yêu cầu bắt buộc cũng là sự bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình. |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc BHXH Đà Nẵng, Thầy thuốc ưu tú Đinh Văn Hiệp khẳng định: Mặc dù mức đóng tăng nhưng luật quy định việc chia đợt đóng tiền 6 tháng/lần tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT.
* Thưa ông, dư luận phụ huynh HSSV lo lắng trước thông tin việc tham gia BHYT năm học 2015-2016 vừa tăng mức đóng, vừa phải đóng tiền cả 15 tháng. Nếu đóng theo năm học như trước đây có gì sai quy định không?
Ông Đinh Văn Hiệp |
- Trước hết tôi muốn nói rõ rằng, tôi chưa thấy có văn bản nào quy định buộc HSSV tham gia BHYT phải đóng tiền cả 15 tháng. Cả trong Luật BHYT và Thông tư Liên tịch số 4l/2014/TTLT-BYT-BTC-BHXH cũng không ghi rõ phải đóng tiền mua BHYT 15 tháng.
Để chuẩn bị cho công tác vận động và thu BHYT đối với HSSV năm học 2015-2016, cơ quan BHXH Đà Nẵng đã có Công văn số 740/BHXH-PT (ngày 20-5-2015) gửi Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố hướng dẫn việc thu và phát hành thẻ BHYT đối với HSSV như sau: Thẻ BHYT phát hành theo năm học, riêng sinh viên năm cuối, thẻ BHYT có giá trị từ ngày nhập học đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc năm học đó. BHXH Đà Nẵng sẽ phát hành thẻ BHYT đợt 1 có giá trị sử dụng từ ngày 1-10-2015 đến 30-9-2016. Việc này vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật về BHYT và các văn bản hướng dẫn.
* Dư luận cho rằng, việc tăng mức đóng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở gây sốc cho phụ huynh. Vậy nên hiểu việc tăng mức đóng này như thế nào?
- Tại Điểm g, Khoản 1, Luật BHYT năm 2008 đã quy định mức đóng BHYT của HSSV tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Tại thời điểm 1-7-2009 khi luật này có hiệu lực thì mức đóng của HSSV là 3% mức lương cơ sở. Đến nay, sau hơn 6 năm đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống, mức đóng BHYT đối với HSSV tăng lên 4,5% từ ngày 1-1-2015. Như vậy, đây không phải là mức tăng đột xuất, bất ngờ, mới phát sinh từ năm 2015 như một số thông tin làm dư luận hiểu chưa chính xác.
Mức tăng này là thực hiện theo lộ trình của Luật BHYT mà đến một thời điểm nào đó mức đóng tối đa của đối tượng là HSSV sẽ bằng 6% mức lương cơ sở. Cần hiểu rằng, việc tăng mức đóng BHYT luôn đi liền với việc mở rộng quyền lợi và tăng mức hưởng BHYT. Việc nâng mức đóng BHYT đối với HSSV nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vì quyền lợi của HSSV được bảo đảm hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu dồi dào hơn.
* Việc tăng mức đóng BHYT có ảnh hưởng đến mục tiêu 100% HSSV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia BHYT trong năm học 2015-2016 không, thưa ông?
- Do mức đóng BHYT đối với HSSV tăng lên có thể ảnh hưởng đến một số gia đình HSSV có khó khăn về tài chính nên có thể đóng 6 tháng/lần cũng được. Pháp luật BHYT cũng thoáng ở chỗ quy định việc đóng tiền mua BHYT có thể chia thành đợt 6 tháng/lần hoặc đóng tiền một lần cho 12 tháng.
Pháp luật BHYT cũng có quy định rất mở: Trường hợp không tham gia BHYT từ 3 tháng trở xuống, thẻ BHYT có giá trị tính từ ngày nộp tiền. Ví dụ: sinh viên Nguyễn Văn A tham gia BHYT có thời hạn từ ngày 1-10-2014 đến 30-9-2015, tiếp tục nộp tiền tham gia BHYT từ ngày 1-12-2015 thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1-12-2015 đến 30-9-2016.
Trường hợp không tham gia BHYT từ 3 tháng trở lên, thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày tính từ ngày nộp tiền. Ví dụ: sinh viên A nói trên tham gia BHYT có thời hạn từ 1-10-2014 đến 30-9-2015 nhưng mãi đến ngày 2-1-2016 mới tiếp tục nộp tiền tham gia BHYT thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 1-2-2016 đến ngày 30-9-2016. Việc quy định mở như vậy có phần giảm áp lực cho phụ huynh HSSV khi phải lo nhiều khoản tiền vào đầu mỗi năm học.
Theo tôi, việc tăng mức đóng BHYT không ảnh hưởng nhiều lắm đến mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học này. Từ hơn 3 năm qua, Đà Nẵng đã đạt và duy trì bao phủ BHYT toàn dân đạt 92%, cao hơn mục tiêu 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020 nêu tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm học 2014-2015, tỷ lệ HSSV trên địa bàn Đà Nẵng tham gia BHYT đạt 94% trong số hơn 57.000 HSSV. Đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố. Đạt được độ bao phủ BHYT đối với 100% HSSV không phải mục tiêu quá khó.
* Xin cảm ơn ông!
• Ông Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiểu La (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà): Để phụ huynh hiểu tăng mức đóng BHYT cũng tăng quyền lợi Thực hiện Công văn 740/BHXH-TP của cơ quan BHXH Đà Nẵng, chúng tôi đang tổ chức thu BHYT 12 tháng và phát thẻ có thời hạn từ ngày 1-10-2015 đến ngày 30-9-2016. Việc đóng BHYT vẫn thực hiện theo năm học như cũ, chỉ có điểm mới là mức đóng tăng lên 4,5% lương cơ sở. Ban giám hiệu đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm khi họp phụ huynh công bố các khoản thu đầu năm phải giải thích rõ cho phụ huynh hiểu tăng mức mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% là tăng theo lộ trình của Luật BHYT. Mức thu tăng lên thì mức hưởng cũng tăng lên, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng hơn. Việc này bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình các em học sinh nếu gặp rủi ro bị ốm đau. • Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu: Vận động tài trợ mua BHYT cho học sinh khó khăn Triển khai năm học 2015-2016, chúng tôi rất chú ý nội dung vận động gia đình học sinh tham gia BHYT cho các em. Mức đóng BHYT từ năm học này có tăng lên sẽ gây khó khăn cho một số học sinh. Đây là những học sinh không thuộc diện hộ nghèo nhưng có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Giải pháp là chúng tôi chỉ đạo các trường trích phần thù lao 4% được cơ quan BHXH để lại hỗ trợ mua BHYT cho những học sinh này. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động các nhà tài trợ học bổng chuyển một phần kinh phí sang tài trợ mua BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. • Ông Trần Chí Bằng, phụ huynh học sinh: Có tấm thẻ BHYT vẫn yên tâm hơn Đọc báo thấy người dân ở các địa phương khác bức xúc vì phải nộp tiền mua BHYT 15 tháng cho con em, tôi cũng lo vì mức đóng năm nay tăng. Khi họp phụ huynh đầu năm nghe thông báo vẫn đóng tiền mua BHYT 12 tháng theo năm học, ai khó quá thì đóng theo đợt 6 tháng/lần, tôi thấy hợp lý và tương đối ổn. Tôi không nghĩ con mình khỏe mạnh thì không cần tham gia BHYT. Mua BHYT là mua bảo hiểm rủi ro sức khỏe cũng như để có được sự bảo đảm an toàn về tài chính nếu không may con mình đau ốm. Có tấm thẻ BHYT vẫn yên tâm hơn. |
Năm 2015, Quỹ BHYT chi 1.000 tỷ đồng Ông Đinh Văn Hiệp cho biết: Năm 2015, Quỹ BHYT sẽ chi khoảng 1.000 tỷ đồng để thanh toán chi phí khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người tham gia BHYT trên địa bàn. Năm 2014, khoản chi này hơn 870 tỷ đồng. Rất nhiều HSSV trên địa bàn thành phố được Quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị rất lớn. Điển hình: sinh viên Lê Trần Thảo V. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) được thanh toán điều trị 254,486 triệu đồng; học sinh Phan Phú Đ. Trường THPT Hoàng Hoa Thám được thanh toán 172 triệu đồng; học sinh Nguyễn Lê Minh H. Trường THCS Trưng Vương được thanh toán 133,33 triệu đồng; học sinh Nguyễn Quốc S. Trường Tiểu học Lê Quang Sung được thanh toán 105 triệu đồng. |
SƠN TRUNG thực hiện