Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ kênh tiếp nhận thông tin

13:02, 10/09/2015 (GMT+7)

Thông qua các kênh thông tin như đường dây nóng của thành phố, các quận, huyện và đặc biệt là trang mạng xã hội facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp, nhiều  vấn đề liên quan đến văn hóa - văn minh đô thị được người dân phản ánh kịp thời.

Nhân viên Tổng đài dịch vụ công tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
Nhân viên Tổng đài dịch vụ công tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.

Trang facebook đặc biệt

Trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (gọi tắt là Quản lý đô thị Đà Nẵng) trở nên “nổi tiếng” bởi số lượng thành viên cũng như lượng người xem, bình luận, phản ánh khá đông và ngày càng tăng. Dường như mọi vấn đề liên quan đến kỹ thuật đô thị, an toàn đô thị và tinh thần đô thị đều được phản ánh: từ chuyện đường sá hư hỏng, cây ngã đổ, xây dựng trái phép, vứt rác bừa bãi, xe “dù”, bến “cóc” đến chuyện cái bóng đèn đường bị tắt, dây điện bị sà xuống đường, băng-rôn che khuất đèn giao thông… ở mọi ngóc ngách thành phố, từ trung tâm đô thị đến vùng ven.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND thành phố Đà Nẵng, người trực tiếp quản lý trang facebook nói trên, cho hay: “Việc chèo kéo khách ngày càng tinh vi, họ hoạt động ngay trên những tuyến đường trung tâm thành phố nhưng khó phát hiện. Một thành viên đã chụp được biển số xe của những người này và đăng trên trang của nhóm, chúng tôi đã nhanh chóng vào cuộc, chuyển cho công an truy tìm đối tượng. Thật bất ngờ vì phát hiện có đến 3 nhóm đối tượng có hành vi chèo kéo khách tương tự”.

Ra đời từ tháng 4-2013, trang Quản lý đô thị Đà Nẵng (do Phòng Quản lý đô thị lập) hiện có gần 13.600 thành viên tham gia. Riêng số thành viên thường xuyên tham gia thảo luận lên đến gần 2.000 người. “Với số lượng cán bộ ít, chúng tôi không thể nắm hết tình hình đô thị, trong khi việc tiếp nhận thông tin qua thư từ, báo, đài sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, lực lượng thành viên đông đảo này trở thành “tai mắt”, giúp lãnh đạo hầu hết các sở, ban, ngành (cũng là thành viên của trang Quản lý đô thị Đà Nẵng) kịp thời nắm thông tin. Chưa khi nào sự tương tác thông tin giữa người dân và cơ quan chức năng lại nhanh, hiệu quả như vậy”, ông Duy chia sẻ.

Cũng theo ông Duy, mỗi sáng đầu tuần, Tổ liên ngành 43 vào trang Quản lý đô thị Đà Nẵng tổng hợp nguồn tin phản ánh của người dân và đề cập trong cuộc họp giao ban toàn tổ. Thông tin nào “nóng”, đội cơ động 43 lập tức xử lý; còn lại giao cho tổ 43 quận, huyện và các Sở, ban, ngành; kết quả được báo cáo ngay trong tuần.

“Alô, xin nghe”!

Câu nói nhỏ nhẹ “A lô,... xin nghe” của nhân viên trực đường dây nóng 0511.3881888, thuộc Tổng đài dịch vụ công thành phố, đã dần trở nên quen thuộc với người dân trong thời gian gần đây. Từ khi được UBND thành phố giao nhiệm vụ thực hiện đường dây nóng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, đường dây nóng đến nay đã tiếp nhận 255 lượt phản ánh, góp ý của người dân và du khách.

Bà Hoàng Ngọc Lan, Trưởng phòng tiếp nhận và giải đáp thông tin, cho biết thông qua tổng đài, nhiều bức xúc của người dân được cơ quan chức năng giải quyết. Đó là trường hợp vệ sinh môi trường nhếch nhác tại vỉa hè bãi đỗ xe Bảo tàng điêu khắc Chăm phía đường 2 tháng 9; trường hợp nắp cống hố ga trên đường Lê Khôi bị vỡ, gây nguy hiểm cho người đi đường...; rồi cả thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ cũng được chấn chỉnh.

“Tính hiệu quả của đường dây nóng thể hiện qua số lượt phản ánh tăng theo thời gian. Những ngày đầu triển khai, mỗi tuần chỉ có 1-2 lượt phản ánh. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi đều nhận được phản ánh, góp ý; có ngày tiếp nhận đến 5 lượt phản ánh. Chúng tôi cũng giới thiệu đường dây nóng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đến hơn 60.000 lượt du khách đến Đà Nẵng vào dịp hè vừa qua. Tôi nghĩ rằng, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, cần đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu số điện thoại đường dây nóng (0511.3881888) để mọi người dân biết và sử dụng”, bà Lan cho biết.

Không chỉ thành phố, mà các quận, huyện cũng thành lập đường dây nóng nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, góp ý của người dân đối với các vấn đề liên quan đến văn hóa, văn minh đô thị tại địa phương.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chánh văn phòng UBND quận Thanh Khê, cho biết quận Thanh Khê đã phổ biến rộng rãi đến người dân hai số điện thoại, một số bàn trong giờ hành chính, một số di động ngoài giờ hành chính. Với số di động, các thành viên trong tổ liên ngành 43 của quận thay phiên nhau trực, bất kể ngày hay đêm. “Điện thoại cá nhân thì có thể tắt máy, chứ điện thoại đường dây nóng phải luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận. Nhờ thông tin từ người dân, chúng tôi đã xử lý được nhiều vấn đề nóng trên địa bàn quận, nhất là với hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép. Được người dân báo cáo kịp thời, chúng tôi bắt quả tang Trung tâm Gia sư chất lượng cao (700 Trần Cao Vân) in ấn và phát tờ rơi với số lượng lên vài trăm ngàn tờ”, ông Tùng nói.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, người dân Đà Nẵng đang chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng thành phố kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.