Chính trị - Xã hội

Mù đôi mắt, sáng tấm lòng

08:01, 15/09/2015 (GMT+7)

Anh Trần Viết Linh, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp sản xuất - kinh doanh mây tre, văn phòng phẩm, trên đường Núi Thành, thành phố Đà Nẵng, là người khiếm thị nhưng đã tạo việc làm cho hơn 60 lao động.

Anh Trần Viết Linh kiểm tra công nhân đóng gói sản phẩm.
Anh Trần Viết Linh kiểm tra công nhân đóng gói sản phẩm.

Anh Linh bị mù từ nhỏ. Từ thuở niên thiếu, anh đã hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Người mù, được những người đồng cảnh ngộ quý mến. Năm 2000, anh làm Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp sản xuất - kinh doanh mây tre, văn phòng phẩm của Hội và đã dẫn dắt trung tâm phát triển vượt bậc.

Trung tâm Hướng nghiệp sản xuất - kinh doanh mây tre, văn phòng phẩm hiện có 2 cơ sở, 62 lao động (21 người khuyết tật, 41 người bình thường), chuyên sản xuất - kinh doanh các mặt hàng mây tre (bàn, ghế, đũa, tăm, que xiên, que hương…) và làm dịch vụ xoa bóp. Sản phẩm của trung tâm ngày càng được nhiều người ưa chuộng, được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất khẩu sang Lào, Đài Loan, Ấn Độ…

Anh Linh còn hợp đồng thi công các công trình mây tre cho nhiều đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận, cụ thể như làm toàn bộ bàn ghế cho khu resort Làng Quê ở Hội An (tỉnh Quảng Nam), làm bàn ghế và rèm che ở một số khách sạn tại thành phố Huế… Những năm gần đây, trong khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, anh Linh vẫn tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động. Hằng năm, anh còn tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật và hỗ trợ học viên tìm việc làm sau khi đào tạo.

Bên cạnh đó, anh Linh tạo điều kiện cho công nhân phát huy sáng kiến trong sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy phong trào cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đã có 3 sáng kiến hay, được anh Linh áp dụng vào thực tế, đưa năng suất lao động tăng gấp 4 lần. Đó là sáng kiến làm máy chấn que xiên, máy vê nhọn tự động, máy đếm và đóng gói sản phẩm.

Trong điều hành công việc, anh Linh đặc biệt quan tâm đời sống của người lao động, thường xuyên gần gũi công nhân, tận tình hướng dẫn cách làm cho từng người; đồng thời vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, tặng quà cho người lao động khuyết tật, kịp thời giúp người lao động được hưởng các chế độ trợ giúp của Nhà nước.

Khi nói về anh Linh, một cán bộ Sở LĐ-TB&XH thành phố khẳng định: Không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 60 lao động ở Trung tâm Hướng nghiệp sản xuất - kinh doanh mây tre, văn phòng phẩm, anh Linh còn gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người thông qua việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Anh là tấm gương điển hình về kỳ tích người mù tạo việc làm cho người sáng.

Trước nhu cầu phát triển sản xuất-kinh doanh của trung tâm và nhu cầu việc làm của người khuyết tật, anh Linh đã lập Đề án “Phát triển Trung tâm Hướng nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó anh đề xuất xin thuê đất dài hạn để mở rộng quy mô sản xuất-kinh doanh. Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt và đang chờ các cơ quan chức năng bố trí đất. “Phát triển trung tâm không chỉ tạo thêm việc làm cho người khuyết tật, mà còn thu hút thêm nhiều lao động bình thường”, anh Linh chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.