.

Tôi thích viết những bài báo "có vấn đề"

.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi thích nhất là viết những bài báo “có vấn đề”. Viết những bài báo “có vấn đề” lấy tư liệu không dễ, tính rủi ro cao, mất thời gian và vất vả. Thế nhưng, những bài viết “có vấn đề”, được dư luận thật sự quan tâm, thể hiện được chính kiến, tâm huyết của người làm báo.

Một số bài báo của tác giả đăng ở chuyên mục “Nhìn thẳng sự thật”.
Một số bài báo của tác giả đăng ở chuyên mục “Nhìn thẳng sự thật”.

Những người làm ở Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) vẫn còn nhớ giai đoạn mà những người làm báo có thêm chất xúc tác để mạnh dạn viết những bài báo “có vấn đề”. Đó là những bài báo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh NVL đăng trên Báo Nhân Dân. Hưởng ứng về những bài viết của tác giả NVL, Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) có chuyên mục “Nhìn thẳng sự thật, nói thẳng sự thật” ở trang nhất. Tôi rất thích và hưởng ứng  nhiệt tình chuyên mục này.

Là tờ báo của Đảng bộ tỉnh, việc đề cập đến khuyết điểm, hạn chế ở một cơ quan Đảng, chính quyền trên mặt báo lúc bấy giờ không phải là chuyện dễ. Tôi vẫn nhớ, Trường Đảng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) ở Hội An chuẩn bị giải thể nên công tác quản lý lỏng lẻo, kẻ xấu đột nhập trộm cắp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Nhận được nguồn thông tin này, tôi đã vào ngay Hội An để tìm hiểu sự thật và viết bài. Bản thảo được gửi đến Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) lúc bấy giờ là ông H.T. Đọc xong bản thảo, ông gọi tôi lên nói trong phân vân, nếu đăng bài này thì sẽ “đụng” đến Ban Tuyên huấn tỉnh mà cụ thể là ông S., Trưởng ban.

Tuy nói vậy, nhưng sáng hôm sau bài báo “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” được  đăng ở trang 1 ngay chuyên mục “Nhìn thẳng sự thật” về sự để thất thoát tài sản ở Trường Đảng tỉnh Hội An. Tôi chờ đợi sự phản ứng của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là ông S. nhưng không thấy phản ứng gì… Sau đó là những bài viết “có vấn đề” đụng đến những việc lớn như lãnh đạo tỉnh cho nhập tàu mẹ chế biến thủy sản Tiên Sa không phù hợp với thực tế đánh bắt của ngành thủy sản địa phương đã gây sự lãng phí lớn; các cơ quan Đảng làm kinh tế nuôi tôm ở Hội An, Núi Thành, tiền, của trôi theo nước…

Có nhiều bài viết, mà những nhân vật được đề cập xem chúng tôi là ân nhân và chúng tôi thật sự hạnh phúc về điều này. Còn nhớ, ở Bệnh viện Lao Hội An, bà Lương Thị Minh A. bị Ban Giám đốc trù dập, tôi và PV Lê Quang Á đã đến tìm hiểu trực tiếp lãnh đạo bệnh viện và phản ánh trên báo vụ việc này. Sau khi báo đăng, bà Lương Thị Minh A. đã gặp chúng tôi và xúc động nói: “Cảm ơn các nhà báo, các anh là ân nhân của tôi và gia đình tôi”. Một vụ việc khác, ông Đào Văn C., ngư dân ở phường Mân Thái, bị Tòa án quận Hải Châu tuyên án sai, gây oan ức, ảnh hưởng đến thanh danh của bản thân và gia đình. Ông Đào Văn C. đã đến nhờ tôi thanh minh trên báo.

Sau khi tìm hiểu sự thật, biết ông C. là người bị hại chứ không phải là bị can, tôi đã phản ánh vụ việc này trên báo. Sau khi báo đăng, Tòa án tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã hủy bỏ bản án đã tuyên của Tòa án nhân dân quận Hải Châu. Gia đình ông C. vui mừng khôn xiết vì mình đã được minh oan và từ đó tôi đã trở thành ân nhân của gia đình ông.

Lấy tư liệu để viết những bài báo “có vấn đề” đã khó, việc thu thập hồ sơ, chứng cứ để viết về các trường hợp tử vong tại bệnh viện càng khó hơn. Tôi còn nhớ, năm 1994, tại Bệnh viện Hội An, xảy ra trường hợp một phụ nữ sinh con nhưng do tắc trách của bác sĩ và ca trực của bệnh viện đã dẫn đến cái chết của người mẹ. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị P. trú ở phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Chị P. sinh, bị rong huyết  nhưng bác sĩ và ca trực hôm đó do mãi đánh bóng chuyền đã không xử lý kịp thời nên chị P. tử vong.

Nhận được nguồn tin, tôi vào ngay Bệnh viện Hội An để tìm hiểu vụ việc này. Rất may, là nhờ xuất hiện bất ngờ và “nghệ thuật” khai thác tin nên nhân viên phụ trách hồ sơ đã cho tôi xem toàn bộ hồ sơ bệnh án về trường hợp tử vong của chị P. (việc tiếp cận hồ sơ bệnh án của các nhà báo cực kỳ khó khăn và gần như đã trở thành nguyên tắc của ngành Y tế).

Sau khi báo đăng và phát hành, vụ việc này đã gây xôn xao dư luận vì sự thiếu trách nhiệm của bệnh viện, đặc biệt là với bác sĩ ca trực hôm đó. Ban Giám đốc Bệnh viện Hội An đã nhận sai, bác sĩ trực bị phê bình, bệnh viện đã đến gia đình của chị P. xin lỗi và hỗ trợ một phần kinh phí cho cháu bé vừa sinh đã mất mẹ. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã cử thanh tra vào làm việc cụ thể với Bệnh viện Hội An và kết luận bài báo đã phản ánh đúng sự thật…

Để có một bài báo “có vấn đề”, người làm báo phải nhiệt tình, chịu khó, đôi khi phải đánh đổi cả sự hiểm nguy của bản thân, của nghề nghiệp. Bao giờ cũng vậy, một cá nhân, một tổ chức, một đơn vị, một công ty, xí nghiệp đều muốn báo chí nói tốt về mình. Một bài báo phản ánh về việc tốt người viết không phải “nhức đầu”, không phải lo đối phó từ khi thu thập tư liệu đến khi viết bài.

Nhiều lúc báo đã lên khuôn nhưng vì một cú điện thoại thì bài viết bị gác lại. Bài phản ánh dài nhưng đôi khi đối tượng được phản ánh lại không đọc báo, trong khi đó một bài viết “có vấn đề” chỉ cần một câu, một dòng viết về tiêu cực của cá nhân, đơn vị đó thì lãnh đạo, cá nhân “bị” đăng báo tìm báo đọc ngay, thậm chí bỏ tiền ra mua toàn bộ số báo ra ngày hôm đó.

Rất may cho bản thân tôi là trong nhiều phóng sự điều tra phản ánh về tiêu cực, những bài báo “có vấn đề” mà mình đã phản ánh chưa có một ý kiến phản hồi nào về sự không chính xác, về không đúng sự thật. Đó là niềm vui và hạnh phúc về sự nghiệp làm báo của mình.

Không ít nhà báo thích chọn giải pháp an toàn, không muốn viết những bài báo “có vấn đề”. Nhưng tôi, tôi thích viết những bài báo “có vấn đề” và khẳng định, những bài viết “có vấn đề” luôn được bạn đọc quan tâm và đó cũng là cái tâm của người làm báo.

Lê Văn Hoa

;
.
.
.
.
.