Giai đoạn 1945-1954
9 năm kháng chiến chống Pháp trong điều kiện khó khăn, gian khổ của một chiến trường 4 mặt đều có quân thù, lại xa sự chỉ đạo của Trung ương, LLVT Liên khu 5 nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết chiến quyết thắng, vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất đã đánh bại âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp. Nhiều chiến công đã đi vào lịch sử như: cuộc vây hãm quân thù ở Nha Trang, bao vây chặn địch ở Đà Nẵng - Quảng Nam, Phú Yên; cuộc tiến công ở Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, chiến thắng Đăk Pơ, chiến thắng Bồ Bồ…, góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Quân và dân Liên khu 5 đã đánh 15.000 trận (tính từ ngày 22-10-1945 – 22-7-1954), tiêu diệt 82.230 tên địch (12.300 lính Âu Phi), thu 13.164 súng các loại, 646 tấn đạn, 272 xe các loại.
Phá hủy 7.000 súng, pháo các loại, 600 tấn đạn, 19 kho đạn, 76 đầu máy và 492 toa và xe lửa, 1.225 xe cơ giới vận tải, 36 máy bay, 158 đồn, cứ điểm, 320 tháp canh…
Huy động dân công phục vụ tiền tuyến 165.644 người, có hơn 10.000 nữ với hơn 11 triệu ngày công.
Giai đoạn 1954 - 1975
Thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp nhảy vào miền Nam với tham vọng quyết tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ để tiến công ra miền Bắc lập phòng tuyến ngăn chặn CNXH phát triển xuống đông nam châu Á...
Chúng coi Nam Trung Bộ là chiến trường trọng điểm, tập trung nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh, có lúc quân Mỹ - ngụy, chư hầu lên bằng nửa số quân ở miền Nam. Xây dựng nhiều căn cứ quân sự, thí điểm nhiều quốc sách, biện pháp chiến lược, nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc tàn bạo, đồng thời xây dựng ở đây một bộ máy ngụy quyền phản động hiếu chiến thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng.
Ngày 25-1-1955, Bộ Chính trị quyết định sáp nhập 2 tỉnh Quảng Trị (từ nam sông Bến Hải vào), tỉnh Thừa Thiên vào Liên khu 5 và thành lập 4 liên tỉnh trực thuộc Liên khu 5 gồm: liên tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam; liên tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; liên tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng); liên tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1960) là những năm cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam nói chung và Khu 5 nói riêng. Mỹ - Diệm đã thẳng tay đàn áp dã man phong trào cách mạng, lấy “tố cộng, diệt cộng” làm “quốc sách”, coi đây là mấu chốt để giành thắng lợi với các khẩu hiệu “diệt trừ cộng sản nằm vùng”, “diệt tận gốc cộng sản”, “tát nước, bắt cá”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”…, gây biết bao vụ tàn sát đẫm máu ở nhiều nơi.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 xác định con đường cách mạng miền Nam bằng con đường bạo lực cách mạng, các địa phương đã khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang tập trung. Đầu năm 1960, các tỉnh đều có đại đội tập trung, trong đó Quảng Ngãi có 3 đại đội, Quảng Nam có 2 đại đội, các huyện có phong trào khá đã xây dựng được trung đội thoát ly, ở nhiều xã đã có đội công tác, đội vũ trang tuyên truyền, du kích, tự vệ.
Để giúp Liên khu chỉ đạo xây dựng và đấu tranh vũ trang, Liên khu quyết định thành lập Ban quân sự Liên khu 5 trực thuộc sự chỉ đạo của Liên khu ủy 5. Ban quân sự gồm các đồng chí: Huỳnh Hữu Anh (Quang), Lê Đình Lệ (Trực), Đoàn Y Thanh (Sự) do đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Liên khu ủy trực tiếp làm trưởng Ban. Đây là cơ quan chỉ huy quân sự đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ đầu năm 1961, Quân ủy Trung ương đã thông qua kế hoạch tăng cường lực lượng cho chiến trường Liên khu 5. Đến tháng 7-1961, lực lượng tăng cường của Bộ đã vào đến Liên khu 5 gồm: 1 cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu, 2 cơ quan Bộ Tư lệnh phân khu gồm 104 cán bộ chủ trì và trợ lý, 3 tiểu đoàn đủ quân, 5 khung tiểu đoàn, 12 khung đại đội, 1 đại đội và 2 trung đội thông tin, 1 đại đội và 2 khung (đại đội) vũ trang tuyên truyền, 5 đại đội đặc công.
Theo chỉ đạo của Trung ương, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ Liên khu 5 lại được tách thành 2 Quân khu, ngày 27-7-1961, thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 6. Quân khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai do đồng chí Nguyễn Đôn làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Quân khu 6 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng do đồng chí Y Blốc Êban làm quyền Tư lệnh.
LLVT Quân khu lúc này đã phát triển đến cấp tiểu đoàn và trung đoàn. Đến năm 1962, Quân khu đã hình thành 3 trung đoàn bộ binh 1, 2, 3; mỗi trung đoàn đều có tiểu đoàn pháo và một đại đội đặc công. Năm 1963, bộ đội địa phương nhiều tỉnh đã tổ chức đến tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng: đặc công, công binh, trinh sát, thông tin…; mỗi huyện đều có từ 1-2 trung đội bộ đội tập trung. Toàn Quân khu có hơn 20.000 dân quân du kích được tổ chức rộng rãi ở khắp các làng xã và đã có những trận đánh tiêu biểu xuất sắc như trận Nà Niêu (Quảng Ngãi) vào tháng 8-1962, đánh bại cuộc đổ bộ bằng trực thăng của địch, bắn rơi 12 máy bay, bắn bị thương một số chiếc khác.
Trận tiến công sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 ngụy ở Đầm Ròn (Tuyên Đức) vào tháng 12-1962 diệt 300 tên địch. Trận tập kích vào tháng 1-1963 của Tiểu đoàn đặc công 407 tiêu diệt trung tâm huấn luyện biệt kích Plây Krong (Gia Lai) diệt và bắt 400 tên địch (có 12 tên Mỹ). Trận Kỳ Sanh (Quảng Nam) vào tháng 8-1964 diệt 1 đại đội ngụy và đánh thiệt hại nặng 1 chi đoàn thiết giáp M113 - trận đầu tiên đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường Khu 5.
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, ta liên tiếp giành được những thắng lợi lớn như trận tiêu diệt chi khu quân sự An Lão (Bình Định) của Trung đoàn 2 cùng Tiểu đoàn 406 đặc công và LLVT Bình Định. Những chiến công oanh liệt, chiến thắng vẻ vang của LLVT Quân khu đã góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo cơ sở vật chất, tinh thần vững chắc chuyển sang giai đoạn mới.
Để cứu vãn tình thế ở miền Nam, Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ồ ạt nhảy vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Ngày 8-3-1965, đơn vị đầu tiên là Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Đến tháng 10-1965, số lượng lính Mỹ và Nam Triều Tiên trên chiến trường Khu 5 lên tới 120.000/180.000 tên của toàn miền Nam. Đồng thời với việc lập căn cứ quân sự ở Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, An Khê, Pleiku, Quy Nhơn, Nha Trang…, chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực ta và “bình định” các địa bàn quan trọng, qua đó trấn an tinh thần quân ngụy đang trên đà suy sụp.
(Tư liệu do Ban Tuyên huấn Quân khu 5 cung cấp)