Chính trị - Xã hội

CÔNG TÁC PHÁP LUẬT CÔNG ĐOÀN

Đem đến lợi ích cao nhất cho người lao động

08:19, 28/10/2015 (GMT+7)

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 5a/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “Đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong tình hình mới”, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả.

Liên đoàn Lao động thành phố luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động. TRONG ẢNH: Tuyên truyền cho công nhân lao động tại Công ty TNHH Điện tử Foster.
Liên đoàn Lao động thành phố luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động. TRONG ẢNH: Tuyên truyền cho công nhân lao động tại Công ty TNHH Điện tử Foster.

Nghị quyết 5a của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật hiện hành và công tác tư vấn pháp luật đến cán bộ Công đoàn và người lao động nhằm làm cho người lao động nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn các quy định của pháp luật, từ đó chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và các quy định của cơ quan, đơn vị, góp phần bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Đối với Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, nghị quyết trên được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực, trên tất cả các mặt, từ tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và đoàn viên Công đoàn; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn đến công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Ở mặt công tác nào, các cấp Công đoàn đều rất nỗ lực nhằm đem đến những lợi ích cao nhất cho người lao động.

Điển hình là công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn CNVCLĐ thực hiện pháp luật. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn chú trọng. Bởi lẽ, chỉ khi tuyên truyền tác động đến ý thức người lao động thì những hoạt động khác mới được thuận lợi. Công tác này được thực hiện dưới nhiều hình thức như thành lập, duy trì hoạt động của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền trực tiếp cho CNVCLĐ tại các doanh nghiệp, đơn vị; tuyên truyền pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật tại chỗ, tuyên truyền trực tiếp cho CNVCLĐ thông qua cán bộ Công đoàn cốt cán, tuyên truyền trực tiếp qua loa phát thanh của doanh nghiệp, phát hành tờ rơi, tờ bướm, tranh cổ động. Trong 10 năm qua, đã có 1.225 buổi tuyên truyền, với trên 71.000 lượt cán bộ Công đoàn, CNVCLĐ dự nghe các nội dung về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Cán bộ, công chức, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bình đẳng giới và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đến CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn; in ấn và cấp phát 105.547 tờ rơi, tài liệu các loại.

Liên đoàn Lao động thành phố tham gia với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các ban, ngành của thành phố thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hơn 475 cuộc tại hơn 600 đơn vị, doanh nghiệp; Công đoàn các cấp phối hợp với UBND quận, huyện thực hiện hơn 455 cuộc kiểm tra. Chất lượng tham gia ý kiến của Công đoàn từng bước được nâng lên, các doanh nghiệp đã thực thi pháp luật ngày càng tốt hơn sau các lần thanh tra, kiểm tra. Những kiến nghị của Công đoàn về thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, xây dựng thang bảng lương, đảm bảo việc làm và an toàn vệ sinh lao động, trích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... đã được đa số các doanh nghiệp tiếp thu.

Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về pháp luật cho người lao động là việc làm vô cùng thiết thực. Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp cũng là việc làm quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tuy nhiên, do việc thực thi pháp luật lao động ở một số chủ doanh nghiệp chưa nghiêm, quyền lợi của người lao động bị xâm hại, một số công nhân chưa am hiểu pháp luật lao động, nên tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công không tuân theo quy định pháp luật vẫn xảy ra. Trong 10 năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 34 cuộc ngừng việc tập thể, đa phần xảy ra trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tùy theo quy mô của cuộc đình công, Liên đoàn Lao động thành phố đã cử cán bộ Công đoàn xuống cơ sở để tiếp xúc với công nhân, lao động nắm bắt tư tưởng, hành động để có phương án giải quyết, hạn chế tình trạng lôi kéo, ngăn ngừa đến mức thấp nhất xảy ra điểm nóng, lây lan từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác và động viên công nhân, lao động trở lại làm việc. Đặc biệt, một trong những việc làm nhằm góp phần bảo vệ người lao động là tham gia giải quyết tranh chấp lao động.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đã đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động tại tòa án với 17 vụ và tất cả các vụ kiện đều thắng kiện cho người lao động.
Đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong CNVCLĐ có vai trò hết sức quan trọng, là một trong những chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống Công đoàn, những kết quả đạt được trong công tác pháp luật đã góp phần tạo niềm tin cho người lao động vào tổ chức Công đoàn, giúp người lao động an tâm lao động sản xuất.

Bài và ảnh: PHAN HÀ

.