.

Đổi mới hơn nữa chất lượng kỳ họp Quốc hội

.

Qua theo dõi kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, cử tri thành phố kỳ vọng kỳ họp sẽ đổi mới hơn nữa để chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng mong đợi của cử tri cả nước.

Cử tri Ngô Bá Dương, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà: Quan tâm đến chất lượng giáo dục

Việc đầu tư, phát triển giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu. Điều đó thể hiện vai trò không thể thay thế cũng như tác động mang tính bền lâu của ngành giáo dục trong việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước. Tôi mong muốn kỳ họp lần này Quốc hội sẽ đề cập đến những bất cập, hạn chế trong ngành giáo dục để cùng nhau mổ xẻ, phân tích và tìm ra giải pháp thay thế, khắc phục. Không nhìn đâu xa, chỉ riêng Đà Nẵng hiện nay tồn tại một thực tế đó là việc các trường đại học, cao đẳng đua nhau mở các lớp, ngành đào tạo dù thiếu sinh viên, học viên, xã hội cũng không có nhu cầu. Nó không chỉ gây lãng phí về cơ sở vật chất mà còn gây lãng phí nguồn lực, đẩy người học vào tình thế “người thừa” sau khi tốt nghiệp. Việc ít, người nhiều, chất lượng đào tạo thấp tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng “chạy chức”, “chạy việc”, công tác tuyển dụng thiếu tính minh bạch... Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập đồng thời được bạn bè quốc tế đánh giá là đất nước có nguồn lao động dồi dào. Điều đó càng đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, uy tín.

Cử tri Lê Văn Quảng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu: Chất vấn phải đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm

Qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi được biết trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, hoạt động chất vấn sẽ có nhiều đổi mới. Các kỳ họp khác, ai trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn đều biết trước, nhưng lần này sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi nội dung gì, nên các thành viên Chính phủ nhận được chất vấn sẽ phải trả lời tại chỗ. Với cách thức đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, cử tri chúng tôi đều muốn nghe những phần trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề và phải đi đến cùng của vấn đề cử tri quan tâm.

Cử tri Nguyễn Thị Nga, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu: Cần chọn những vấn đề sâu sắc
để chất vấn

Tôi luôn theo dõi chặt chẽ các cuộc chất vấn có truyền hình trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội, bởi đây chính là một kênh để cử tri có thể đánh giá năng lực những đại biểu mà mình đã bầu ra. Trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, cử tri chúng tôi mong rằng, các vị đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm là đại diện dân cử và phát huy trí tuệ, chọn những vấn đề sâu sắc để chất vấn, khi chất vấn cũng cần đưa ra câu hỏi ngắn gọn, sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề, chứng tỏ thật xứng đáng là đại diện cho nguyện vọng, tiếng nói của cử tri thành phố.

TRỌNG HÙNG ghi

Cử tri Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, quận Hải Châu: Cần nghiêm minh với tội tham nhũng

Cơ chế thị trường phát triển có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt, nó thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng mặt khác làm tha hóa nhiều cá nhân. Tuy nhiên, tha hóa do cơ chế thị trường vẫn không đáng sợ bằng tha hóa do quyền lực - lợi dụng quyền lực của cá nhân để chiếm đoạt, vơ vét các giá trị vật chất, tinh thần của xã hội để làm giàu cho bản thân, xâm phạm đến lợi ích chung của các thành viên khác trong xã hội. Có thể khẳng định rằng, tham nhũng đang bào mòn đất nước, bào mòn cả niềm tin của nhân dân. Một cá nhân làm giàu bằng tiền của đất nước, làm giàu trên nỗi khổ của nhân dân, đó là tội ác. Với án tử hình, mỗi năm Việt Nam vẫn phanh phui hàng chục vụ án kinh tế lớn, số bị cáo lợi dụng tín nhiệm, quyền lực, trách nhiệm để tham nhũng vẫn tăng dần qua các năm. Giờ đây, nhiều đại biểu Quốc hội lại cho rằng nên miễn “án tử” cho người phạm tội tham nhũng. Với bản thân mình, tôi tin rằng, chỉ có sự nghiêm minh tuyệt đối của pháp luật mới có thể hạn chế được sự tha hóa, biến chất của cán bộ chứ không thể trông chờ vào lòng tự trọng, sự nhân văn…

MAI TRANG ghi

Cử tri Trần Văn Lân, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê: Đại biểu phải thực hiện tốt vai trò giám sát

Quốc hội là cơ quan xây dựng pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật. Mỗi đại biểu được dân bầu ra là gửi gắm ở đó những niềm tin, kỳ vọng. Việc lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về những vướng mắc, sai phạm trong quá trình điều hành, quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, của địa phương là điều hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn trên, tôi có mong muốn duy nhất là các đại biểu Quốc hội phải thực hiện tốt vai trò giám sát của mình; bởi họ đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhân dân, đặc biệt là trong việc thực thi pháp luật. Thực hiện tốt vai trò giám sát đồng nghĩa với việc pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, kỷ cương được giữ vững, đời sống của đông đảo người dân được ổn định.

Cử tri Lê Thị Thủy, sinh viên Trường Đại học Duy Tân: Mong ra trường không thất nghiệp

Bạn bè tôi có rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã phải đi làm công nhân để duy trì cuộc sống. Điều này khiến tôi rất lo lắng. Phần lớn sinh viên xuất phát từ các vùng thôn quê đều tâm niệm, học đại học là con đường để tìm kiếm cơ hội cho tương lai, thoát khỏi cảnh lam lũ. Vì vậy, được đi học đại học là niềm vinh hạnh lớn cho cả gia đình, dòng họ. Trên thực tế, nhiều gia đình đã phải bán cả ruộng vườn dồn sức cho con cái thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học thì lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không có việc làm phù hợp. Bao nhiêu cố gắng của bản thân, tiền của mà cha mẹ đầu tư, vun vén đều không được ghi nhận. Mơ ước của tôi cũng như các bạn sinh viên khác đó là tìm được một công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp ra trường.

PHAN CHUNG ghi

;
.
.
.
.
.