Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ phong trào "Hai giỏi"

14:27, 28/10/2015 (GMT+7)

Đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nên thời gian qua, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (phong trào “2 giỏi”) đã được tổ chức sâu rộng trong các cấp Công đoàn và đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Phong trào “2 giỏi” là động lực để nữ CNVCLĐ thi đua lao động sản xuất.  TRONG ẢNH: Một ca làm việc của nữ công nhân, lao động Công ty TNHH Valley View.
Phong trào “2 giỏi” là động lực để nữ CNVCLĐ thi đua lao động sản xuất. TRONG ẢNH: Một ca làm việc của nữ công nhân, lao động Công ty TNHH Valley View.

Xác định phong trào “2 giỏi” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức đăng ký thi đua thực hiện các tiêu chí của phong trào và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh hằng năm.

Việc triển khai phong trào “2 giỏi” luôn được Công đoàn các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29-1-2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa X) “Về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN.

Bà Phạm Hoa Lê, Trưởng ban Tuyên giáo- Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố cho biết: “Để phát huy hiệu quả của phong trào “2 giỏi”, Công đoàn cơ sở và Ban Nữ công các cấp đã tham gia tích cực, kiến nghị đề xuất chính quyền, chủ doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và điều kiện thời gian để nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ; nhiều cuộc tọa đàm, tập huấn, hội thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, truyền thông chính sách dân số/sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình... được Công đoàn và chính quyền phối hợp tổ chức đã giúp nữ CNVCLĐ nâng cao nhận thức, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống và kỹ năng công tác”.

Qua phong trào, nữ CNVCLĐ trong các ngành, nghề, các thành phần kinh tế của thành phố đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để tự rèn luyện, học tập, từng bước bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong giáo dục là thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” gắn với “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. 

Trong y tế, phong trào được hưởng ứng tích cực gắn với thực hiện 12 điều y đức theo chuẩn mực “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Với các cơ quan hành chính sự nghiệp, phong trào được gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới”. Đặc biệt, đối với lực lượng nữ công nhân, lao động trong các doanh nghiệp, dù gặp không ít khó khăn nhưng phong trào vẫn được duy trì và là nguồn động viên để các chị em nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực tham gia lao động sản xuất, thi đua lao động sáng tạo...

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các nữ CNVCLĐ còn thể hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình, dòng tộc và cộng đồng, mẫu mực cho con cháu noi theo. Ngoài công việc, các chị biết sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt, học giỏi, thực hiện chính sách dân số/kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Nhiều chị kém may mắn trong cuộc sống gia đình đã nỗ lực vượt lên số phận hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu như chị Dương Thị Tùng Mai (chuyên viên Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn), chị Đỗ Thị Hạnh (công nhân Xí nghiệp Sản xuất bông băng gạc và vật tư y tế),  chị Phạm Thị Kim Hậu (công nhân Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung)...

Cũng từ phong trào này, thời gian qua, nữ CNVCLĐ trong thành phố đã tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, đóng góp Quỹ “Hoạt động xã hội Công đoàn”, quyên góp xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, tượng đài Bà Triệu, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”; thăm, tặng quà trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm dioxin với số tiền hơn 800 triệu đồng; vận động quyên góp tặng 11.517 bộ sách giáo khoa và hàng ngàn suất quà cho con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn…

Qua tổng kết phong trào từ cơ sở giai đoạn 2010-2015, mỗi năm có 100% nữ CNVCLĐ đăng ký thực hiện phong trào, 95% nữ CNVCLĐ đạt “2 giỏi”; 24.000 chị đạt “2 giỏi” xuất sắc tiêu biểu 5 năm (2010-2015), chiếm tỷ lệ 30,3%; hàng trăm tập thể và hàng ngàn cá nhân nữ được biểu dương, khen thưởng các cấp.

Đây cũng chính là cơ sở để giai đoạn 2016-2020, các cấp Công đoàn thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nữ công, vận dụng sáng tạo phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vào các ngành phù hợp với nội dung chuyên môn, để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo, khả năng đóng góp cao nhất của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Bài và ảnh: NGHI XUÂN

.