Những người “vác tù và” tại các khu dân cư đã mang tất cả sự nhiệt thành, xốc vác thường ngày của mình lên sân khấu, làm tròn từ vai thí sinh, ca sĩ, diễn viên đến những tuyên truyền viên sinh động... để tiếp tục đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gần cộng đồng hơn.
Một cảnh trong tiểu phẩm Cái hẻm chung của các tổ trưởng tổ dân phố đến từ quận Thanh Khê. |
Hội thi tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn với “Năm văn hóa, văn minh đô thị” lần đầu tiên được tổ chức đã quy tụ hơn 700 tổ trưởng, trưởng, phó thôn và đông đảo cổ động viên từ khắp các quận, huyện thành phố tham dự. Hội thi do Sở VH-TT&DL và Sở Nội vụ phối hợp tổ chức.
Những người “vác tù và” lên sân khấu
“Chúng tôi rất tự hào khi được là nhân vật chính trên sân khấu tại hội thi đầy ý nghĩa này”, chị Lê Nga, tổ trưởng tổ dân phố 42, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) chia sẻ... Đội của chị vừa hoàn thành phần thi cuối cùng trong tiếng vỗ tay của khán phòng Nhà hát Trưng Vương. Chị Nga cho biết, từ ngày nhận được thông tin phát động hội thi (từ tháng 7 đến ngày diễn ra hội thi), chị ít khi có mặt ở nhà trước 21 giờ. Có đêm, cả đội tập “hăng” quá, quên thời gian; về tới nhà, chị chỉ kịp lăn ra ngủ.
Chị Dương Thị Lệ Hàng (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), một trong những cổ động viên nhiệt tình của hội thi cho biết, chồng chị - anh Nguyễn Văn Thủy, trưởng thôn Dương Lâm 2, thao thức gần tháng nay. Theo chị Hàng, anh Thủy tranh thủ “học bài” mọi lúc, mọi nơi, ngay trong giờ ăn cơm, kể cả trong giấc ngủ. Chị thấy vừa thương, vừa buồn cười nên thỉnh thoảng trêu thì anh nghiêm nghị nói: “Mình là trưởng thôn, phải gương mẫu trong mọi việc, nếu không thì nói ai nghe. Không học kỹ, lỡ đến ngày thi lên sân khấu ấp a ấp úng thì còn mặt mũi nào nhìn bà con”. Có khi anh Thủy khảng khái: “Đây không chỉ là chuyện của riêng tui mà là chuyện của cả thôn, cả xã, cả huyện mình”, chị Hàng hồn hậu kể.
Không chỉ bằng lời nói, mà những ai có mặt tại Nhà hát Trưng Vương sáng 12-10 vừa qua đều khó quên được không khí rất đặc biệt, rất “nóng” mà hội thi mang lại. Những người “vác tù và” tại các khu dân cư đã mang tất cả sự nhiệt thành, xốc vác thường ngày của mình lên sân khấu, làm tròn từ vai thí sinh, ca sĩ, diễn viên đến những tuyên truyền viên sinh động chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” của thành phố.
Văn minh từ những chuyện nhỏ
Trong 3 phần thi, hấp dẫn nhất có lẽ là phần thi tiểu phẩm. Theo thể lệ, 7 đội thi lần lượt diễn các tiểu phẩm, kịch nghệ thuật trong khoảng thời gian tối đa 20 phút. Nội dung các kịch bản nhằm một mục đích chung là tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm chung cùng nhau thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Điều đáng nói là 7 tiểu phẩm với 7 câu chuyện sinh động khác nhau tại hội thi được đầu tư, dàn dựng, tập luyện khá công phu, đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem. “Hội thi đã góp phần xóa bỏ định kiến về sự máy móc tuyên truyền cứng nhắc, hay bị cho là nói những chuyện “biết rồi, nói mãi” mà người ta thường hình dung về các hội thi kiểu như thế này”, khán giả Vũ Kim Loan (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) nhìn nhận.
Thực tế, các vấn đề liên quan đến ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị; chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa công cộng và hành vi xử lý có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày; vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội… đã được các đội thi lồng ghép, thể hiện khéo léo thông qua các câu chuyện sinh động trên sân khấu. Đặc biệt, những tiểu phẩm như Tổ dân phố số 13 (quận Hải Châu), Cái hẻm chung (quận Thanh Khê), Chuyện thường ngày (huyện Hòa Vang)..., với kịch bản có chiều sâu, cùng diễn xuất tự nhiên, sinh động của các tổ trưởng, trưởng thôn không chỉ đem lại cho người xem những tràng cười sảng khoái, mà còn để lại những thông điệp đẹp về nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm, tình người từ những câu chuyện, hành xử rất nhỏ trong những cộng đồng nhỏ…; đồng thời góp phần phê phán những thói hư tật xấu, kể cả những định kiến sai lầm vẫn ăn sâu trong một bộ phận người dân. Từ đó, dần hình thành nếp sống, nếp nghĩ mới, tiến bộ, nhân văn trong từng người, từng khu dân cư, thôn xóm.
“Các thành viên đến với hội thi không phải là diễn viên chuyên nghiệp và có thể đây là lần đầu tiên lên sân khấu nhưng họ đã thể hiện kỹ năng hiểu biết và hóa trang, phục trang. Nội dung thi phản ánh các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố. Tất cả các vấn đề được và chưa được trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được các đội dự thi phản ánh chi tiết, cụ thể; các xung đột, mâu thuẫn được tạo ra trong các tiểu phẩm và được giải quyết rõ ràng để nâng cao hiểu biết và nhận thức cho cán bộ ở địa bàn dân cư. Diễn xuất của các diễn viên thực sự rất ấn tượng”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban giám khảo hội thi nhận xét.
Kết quả của Hội thi Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn với năm văn hóa, văn minh đô thị, giải nhất (trị giá 4 triệu đồng) thuộc về đội thi quận Thanh Khê, giải nhì (trị giá 3 triệu đồng) được trao cho đội quận Hải Châu và giải ba (trị giá 2 triệu đồng) thuộc về các tổ trưởng quận Sơn Trà. 4 quận, huyện còn lại đều giành giải khuyến khích (trị giá 1 triệu đồng/giải). Ngoài ra, quận Thanh Khê còn giành giải phụ đội thi có tiểu phẩm xuất sắc nhất, quận Hải Châu là đội có màn chào hỏi ấn tượng nhất. |
Bài và ảnh: THANH TÂN