Chính trị - Xã hội

Kiểm soát thực phẩm: Vẫn chưa có lời giải

07:28, 20/10/2015 (GMT+7)

Việc kiểm soát nơi sản xuất thực phẩm rau, củ, quả và gia súc, gia cầm để khẳng định có bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) hay không, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, bởi công tác thanh tra về thực phẩm nói chung, rau quả nói riêng chủ yếu mới dừng ở “hình thức”và chưa thể xử lý về “nội dung”.

Đó là một trong những vấn đề được đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp (từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016) diễn ra vào chiều 19-10. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Vấn nạn “chất cấm”

Mục tiêu của hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành phố lần này là nhằm giải quyết “vấn nạn” sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015 đã có 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất (đạt 119%) được tổ chức trên toàn quốc, qua đó xử lý vi phạm hành chính hơn 21,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài doanh mục, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh nhà xưởng…

Đáng chú ý là tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều công ty sử dụng chất cấm hoặc chất không có trong danh mục cho phép. Qua kiểm tra các lô hàng nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã tiêu hủy 10 lô sản phẩm nguồn gốc động vật không đảm bảo ATTP theo quy định. Đối với các thông tin có gạo giả trên thị trường và hóa chất “lạ” dùng để dấm chuối, bảo quản hành tím, làm chín sầu riêng v.v..., ngành cũng đã phối hợp các địa phương xác minh làm rõ vấn đề.

Vi phạm nhiều lần

Số liệu giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ vi phạm ATTP còn cao. Một số chỉ số ATTP chưa cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng). Đặc biệt, nhiều cơ sở tái phạm về ATTP nhưng vẫn chưa được xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các ngành chức năng kiên quyết ngăn chặn tình trạng tràn lan lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng nông thủy sản; đồng thời lấy mẫu rau, quả, thịt, cá, tôm để phân tích và truy xuất nguồn gốc.

Đối với các cơ sở từng vi phạm ATTP, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tái kiểm tra 100% để xử lý hành chính và công khai cơ sở vi phạm. Ngoài kiên quyết xử lý, ngành NN&PTNT cũng cần hình thành một số điểm cung ứng nông, thủy sản an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tổ chức liên kết giữa nhà sản xuất, nuôi trồng, sơ chế, phân phối với tiêu thụ sản phẩm

Tại Đà Nẵng, 9 tháng qua, các ngành chức năng đã tiến hành lấy 16 mẫu (8 mẫu thịt lợn, 4 mẫu thịt bò, 4 mẫu thịt gà) để kiểm tra 7 chỉ tiêu. Kết quả 16/16 mẫu đều nhiễm E.coli vượt giới hạn cho phép. 202 mẫu rau, củ quả được lấy tại chợ đầu mối Hòa Cường để test nhanh đã cho kết quả 3 mẫu nghi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hiện có 80% sản phẩm rau, củ quả, thịt tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng được nhập về từ các địa phương khác. Đây là thách thức lớn cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

TOÀN VÂN

.