Chính trị - Xã hội
Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
Thạc sĩ TRẦN CAO ANH - Học viện Chính trị khu vực III: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
Nghiên cứu nội dung các văn kiện của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, tôi nhận thấy là cái đích từ nay đến năm 2020 nước ta phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn giai đoạn trước đây.
Vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng không chỉ đề ra đường lối, mục tiêu đúng đắn mà còn phải hiện thực hóa nó, điều đó trực tiếp đặt lên vai các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng và đội ngũ đảng viên đang hằng ngày, hằng giờ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước ngay tại nơi làm việc, nơi mình đang sinh sống.
Tôi đã có nhiều năm làm công tác Đảng ở một cơ quan. Sau này, tôi chuyển vùng công tác và thường xuyên tham gia sinh hoạt tại chi bộ tổ dân phố nơi cư trú. Tôi nhận thấy rằng, một trong những hạn chế rất quan trọng là công tác xây dựng Đảng ở cấp chi bộ, cơ sở và đảng viên còn nhiều điểm yếu kém. Qua đó, tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Một là, nội dung và phương pháp hoạt động của TCCS Đảng và chi bộ chậm được đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển chung của đất nước. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác Đảng ở cơ sở còn rất nhiều thụ động, chung chung.
Phần lớn nội dung sinh hoạt ở chi bộ cơ sở là thông báo lại các nội dung của cấp trên hoặc công tác của chính quyền, không cụ thể hóa được nhiệm vụ của cấp mình một cách cụ thể, sát thực; lại càng ít khi kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những gì đang xảy ra, diễn ra tại địa phương, đơn vị. Thực trạng này kéo dài đã làm giảm tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở các cấp cơ sở Đảng.
Hai là, công tác thi đua, khen thưởng, phân loại đảng viên và tổ chức Đảng tuy đã có tác dụng thúc đẩy đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và xây dựng tổ chức Đảng nơi mình sinh hoạt nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi để thực chất hơn. Chẳng hạn, có nên quy định tổ chức Đảng phải có tỷ lệ đảng viên loại tốt cao, không có vụ việc lình xình nổi cộm thì mới công nhận chi bộ, đảng bộ đạt tiêu chí trong sạch, vững mạnh.
Những quy định này vô hình trung làm các chi bộ xem nhẹ việc phê bình, tự phê bình khi xếp loại, thậm chí che giấu vụ việc (ngoại trừ vụ việc quá lớn khi bị phanh phui). Thế mới có tình trạng có đơn vị lâu nay vẫn được đánh giá tốt, thậm chí còn được tuyên dương, khen thưởng, bỗng dưng bùng phát khuyết điểm nghiêm trọng. Việc phân loại đảng viên cũng cần có sự sàng lọc, không nên để trong Đảng có đảng viên “trung bình” kéo dài.
Ba là, trong tình hình hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát cần coi trọng kênh điều tra, thăm dò dư luận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng ở địa phương, đơn vị để xem xét kết quả từng công việc cụ thể đến đâu. Chẳng hạn, nơi nào cũng lập ra bộ phận “một cửa” để giải quyết công việc cho người dân có lịch trình cụ thể, nhưng thực tế rất ít việc phục vụ dân đúng với mục đích đã đề ra. Tệ tham nhũng, quan liêu, tiêu cực dù xảy ra ở đâu thì nhân dân vẫn nhìn vào công tác lãnh đạo của Đảng chứ không thể phân biệt rằng “chủ trương thì đúng, việc thực hiện thì sai”. Nếu như vậy thì Đảng đã làm mất lòng tin đối với nhân dân.
Vì thế, việc kiểm tra, giám sát trong nội bộ hệ thống mới chỉ là một phương thức cần chứ chưa đủ để ngăn ngừa các “căn bệnh” mà bộ máy quyền lực thường nhiễm… Thực tế, đúng như Dự thảo Cương lĩnh đã đề cập, điều cần thiết là phải “có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của mọi công dân”.
Mục tiêu tổng quát cần có “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”
* Về dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, ở phần mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 - 2020), cần bổ sung những vấn đề có tính toàn cầu như: tốc độ tăng dân số; tình trạng đói nghèo và phân hóa giàu nghèo trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng và cả vấn đề an ninh hàng không. Bổ sung mục tiêu “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” vào mục tiêu tổng quát; bổ sung cụm từ “kỷ luật trong Đảng” trong nhiệm vụ thứ 11.
Phần hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần bổ sung cụm từ: “có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài”; bỏ cụm từ: “gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” ở hàng cuối cùng trang 17 vì trùng lặp với hàng thứ 2 trang 18.
Phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, bổ sung thêm nhiệm vụ: “hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục”.
Về dự thảo “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2010”: Bổ sung cụm từ: “linh hoạt, mềm dẻo” vào sau cụm từ “các giải pháp phù hợp” ở dòng 12 từ dưới lên, trang 18; bổ sung cụm từ “chú trọng nâng cao hiệu quả công tác định hướng nuôi trồng cho nông dân của các cấp chính quyền địa phương” vào sau câu “... giá trị toàn cầu” ở dòng thứ 9 từ trên xuống, trang 64; bổ sung cụm từ “hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây thua lỗ kéo dài” sau cụm từ “Nhà nước không cần nắm giữ” tại dòng 19 từ trên xuống, trang 66; bổ sung cụm từ “quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, đặc biệt là trách nhiệm” sau cụm từ “của doanh nghiệp” ở dòng 22 trên xuống, trang 66; bổ sung cụm từ “và kịp thời khuyến khích, khen thưởng, động viên đối với họ” sau cụm từ “tố cáo tham nhũng” ở dòng 10 trên xuống trang 72.
Phan Thị Mỹ Dung
(Tổng hợp góp ý của Đảng bộ Trường Chính trị thành phố)