Chính trị - Xã hội
Tạo việc làm cho người nghiện
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào chiều 20-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo rằng, cần tạo việc làm cho người nghiện để họ không sa vào những cám dỗ.
Người nghiện đang điều trị tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06. |
Không có ca nhiễm HIV mới sau điều trị Methadone
Theo thông tin tại hội nghị, từ tháng 10-2010, Đà Nẵng bắt đầu thu dung bệnh nhân để điều trị theo chương trình Methadone. Hiện trên địa bàn thành phố có 344 bệnh nhân đang được điều trị. Trong đó, bệnh nhân ở quận Thanh Khê chiếm 33,1%, quận Hải Châu 27%.
Sau 5 năm, có hơn 50% số bệnh nhân gắn bó với quá trình điều trị. Tỷ lệ nhiễm HIV trong bệnh nhân điều trị Methadone là 4,3% và trong suốt thời gian triển khai, không ghi nhận ca nhiễm HIV mới trong số các bệnh nhân sau khi tham gia chương trình điều trị Methadone.
Ông Trần Anh Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, cho rằng chương trình này không chỉ giúp giảm thiểu số người nghiện ma túy mà còn phòng chống sự lây nhiễm HIV hiệu quả, cải thiện sức khỏe, tinh thần. Nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi, tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, có 95% bệnh nhân sau điều trị 1 năm có cải thiện quan hệ tốt hơn với gia đình. Hầu hết bệnh nhân khi tham gia chương trình Methadone đều không có việc làm (60,5%).
Qua thời gian điều trị, nhờ phục hồi sức khỏe, thoát khỏi sự lệ thuộc ma túy và được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương cũng như gia đình, nhiều bệnh nhân đã tìm được việc làm. Đến nay, tỷ lệ bệnh nhân không có việc làm sau khi tham gia chương trình giảm còn 28,5%.
“Chương trình này đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các loại tội phạm liên quan ma túy, buôn bán và sử dụng ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội”, ông Phùng Đình, Phó trưởng phòng y tế quận Ngũ Hành Sơn nêu ý kiến.
Tạo việc làm, giảm kỳ thị
Theo các đại biểu, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chương trình còn không ít khó khăn. Theo ông Trần Anh Việt, hiện nay, sự kỳ thị của xã hội còn lớn, làm các đối tượng không tự tin khi tiếp xúc với những người xung quanh.
“Nhiều doanh nghiệp hiện nay còn e ngại khi nhận các đối tượng này vào làm việc tại cơ sở bởi họ chủ yếu là lao động phổ thông chứ không có kiến thức nghề nghiệp được đào tạo bài bản. Không có việc làm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dễ sa vào con đường xấu”, ông Việt nói.
Còn theo ông Phùng Đình, hiện nay, trên địa bàn quận có một số bệnh nhân bỏ điều trị do gặp khó khăn trong việc đi lại. Ông Đình cho rằng, điều trị bằng Methadone đòi hỏi người nghiện phải uống hằng ngày, đúng giờ nên nếu ở xa cơ sở điều trị thì người nghiện nản chí, mệt mỏi, những bệnh nhân đi làm không kịp thời gian làm việc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã ghi nhận những kiến nghị nói trên và chỉ đạo các địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người bệnh có thể uống thuốc thường xuyên, không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
“Hiện nay, số người nghiện heroin tham gia chương trình điều trị bằng Methadone còn thấp, một số bệnh nhân bỏ điều trị cần được vận động tiếp tục tham gia”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nói.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo cần chú ý vấn đề giải quyết việc làm cho người nghiện, bởi có việc làm ổn định thì người nghiện mới không sa vào những cám dỗ. Hầu hết người nghiện có hoàn cảnh khó khăn nên thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí cho người nghiện tham gia chương trình này trong năm tới.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ