Nằm khuất sâu trong dãy núi phía tây thành phố, có một công trình của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Đà Nẵng đang ngày ngày được xây đắp nên bởi bàn tay chai sạn và ý chí kiên cường của những người lính thợ công binh...
Bộ đội đang thi công công trình. |
Con đường đầy đất đá, lầy lội đưa chúng tôi đến với công trình đang được Đại đội Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS thành phố thi công. Ấn tượng đầu tiên là không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần lạc quan, đoàn kết giúp đỡ nhau thực hiện nhiệm vụ của tập thể đại đội. Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, cán bộ, chiến sĩ của kíp thi công vẫn đang miệt mài xúc cát, trộn hồ, đổ bê-tông... Mồ hôi đổ xuống trên từng khuôn mặt, quân phục nhuộm trắng màu xi-măng… nhưng nụ cười vẫn nở trên môi.
Chia sẻ cảm nhận về công việc của người lính công binh, Trung sĩ Đỗ Hữu Lộc tâm sự: “Cũng như các đơn vị khác, những chiến sĩ công binh chúng tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công việc. Tuy vất vả, gian khổ nhưng chúng tôi luôn cảm thấy tự hào, thường xuyên động viên nhau cùng cố gắng, phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.
Công tác tại Đại đội Công binh gần 11 năm, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Anh Tuấn, thợ sửa chữa xe máy công binh là một trong những cán bộ có thâm niên gắn bó với những công trình. Với nhiệm vụ chính là kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ công tác thi công đường hầm, khoan, nổ, anh thường xuyên rèn luyện tay nghề, nghiên cứu tài liệu, sách vở để khắc phục kịp thời khi có sự cố, bảo đảm cho máy móc, thiết bị của đại đội luôn được vận hành tốt.
“Thời gian công tác tại đại đội, bản thân tôi luôn tự học hỏi, tìm tòi, nâng cao năng lực bản thân để hoàn thành tốt công việc theo chức trách, nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi cũng ý thức được rằng, mỗi cán bộ phải không ngừng hoàn thiện bản thân, mẫu mực về chuyên môn lẫn đạo đức để làm gương cho các chiến sĩ an tâm tư tưởng thực hiện nhiệm vụ. Nhờ tinh thần đoàn kết như vậy, trong nhiều năm qua, tập thể đại đội công binh đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ”, Trần Anh Tuấn cho biết.
Theo một kíp thi công đi sâu vào công trình mới thấu hiểu hết sự vất vả của người lính công binh. Không khí làm việc ngột ngạt đến mức chỉ cần đứng 10-15 phút trong hầm là cảm giác chóng mặt, khó thở. Vậy mà, kíp trực vẫn phải làm việc từ 8-10 tiếng mỗi ngày với cường độ cao. Chưa kể cả sự hiểm nguy luôn rình rập từ những đợt phá đá nổ mìn, từ vách núi cao thăm thẳm, hoặc những phiến đá khổng lồ chênh vênh trên dốc núi… Trong điều kiện khó khăn như vậy, Đại đội luôn đặt tiêu chí an toàn lao động lên hàng đầu, trang bị đầy đủ các vật chất bảo hộ lao động cho anh em an tâm thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, những khó khăn vất vả ấy không thể làm nản lòng những chiến sĩ công binh nơi đây. Những câu hát về người lính thợ vẫn vang lên như thắp sáng cả căn hầm: “Và từng làn da sạm đen dưới nắng, nhưng đôi mắt luôn sáng ngời ánh thép...”.
Trong số những chiến sĩ đang công tác tại đây, Trung sĩ Lê Công Tuấn có hoàn cảnh khá đặc biệt. Tốt nghiệp cao đẳng Công nghệ thông tin, đã có gia đình và con nhỏ, nhưng Tuấn vẫn quyết tâm viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để thỏa ước mong được khoác trên mình màu xanh áo lính.
Trước đây, chưa từng trải qua vất vả, khó khăn, cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình nên những ngày đầu hòa nhập vào môi trường quân ngũ là thử thách không nhỏ đối với Tuấn. Nhưng được sự giúp đỡ từ đồng đội, cùng sự động viên, chỉ bảo tận tình của cán bộ đại đội, giờ đây Tuấn đã trở thành anh lính công binh lành nghề, ngày ngày đổ mồ hôi trên những khối bê-tông vuông vức, những mét đường hầm thẳng tắp. Tuấn cho biết: “Ở đây, các chiến sĩ luôn xem đại đội như gia đình của mình.
Cán bộ là những người anh đi trước, thường xuyên quan tâm, chuyện trò để giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đồng đội xem nhau như anh em, luôn chia sẻ, động viên nhau, nhiều anh em còn chủ động nhường suất để tôi có điều kiện về thăm gia đình”. Có lẽ tình đồng chí trên công trường này chính là động lực lớn lao giúp Tuấn và các đồng đội vững vàng ý chí chiến đấu, vượt qua mọi gian nan, thử thách để xây dựng nên những công trình vững chắc, kiên cố.
Chia tay đơn vị, chúng tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những người lính công binh quên cả nghỉ ngơi sau bữa trưa, khoác vội những chiếc áo công trường rồi lầm lũi đi vào đường hầm. Khuất sau dãy núi ấy là những hy sinh to lớn mà âm thầm của những người lính thợ để tiếp tục xây đắp nên những chiến công hùng vĩ trong thời bình.
Bài và ảnh: THANH HOÀNG