Trong ngày làm việc thứ 17 kỳ họp thứ 10 (10-11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát năm 2016 là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tốc độ tăng GDP năm 2016 cần đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.
Nếu đạt mục tiêu này, 2016 sẽ là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất kể từ 2008, hướng tới thực hiện kế hoạch 2016-2020 với chỉ tiêu GDP được Chính phủ dự kiến tăng 6,5-7%. Các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu và lạm phát vẫn được duy trì như các năm gần đây.
Trước đó tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (ngày 20-10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 -2020 và năm 2016.
Theo đó, mục tiêu tổng quát cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2016 đạt 6,7%; GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN năm 2016 là 4,95% GDP.
Về xã hội, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2016 đạt 53%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Trong lĩnh vực y tế, mục tiêu năm 2016 đạt 24,5 giường/10.000 dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2016 còn dưới 13,8%.
Tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2016 đạt 22,6 m2…
Từ các mục tiêu nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng đề ra những nhóm giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện.
Tại kỳ họp này, trong các ngày 2 và 3-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ.
Trong phiên họp hôm nay, trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết.
Theo Chinhphu.vn/VnExpress