Chính trị - Xã hội
Sơn Trà lập lại trật tự trên các tuyến đường du lịch
Là nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn, bãi biển tập trung khá đông du khách, quận Sơn Trà xuất hiện các điểm nóng về tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, tình trạng chặt chém, bán hàng rong...
Thuyền đặt trên vỉa hè, lót đá vỉa hè dang dở làm cho con đường du lịch Trần Hưng Đạo trông mất mỹ quan. Ảnh: NGỌC HÀ |
Vậy làm thế nào chấm dứt tình trạng này là câu hỏi được các ngành chức năng của quận đặt ra trong Tháng hành động cao điểm thực hiện văn hóa-văn minh đô thị 2015.
Những tồn tại gây bức xúc
Thời gian gần đây, khi bến du thuyền DHC được đưa vào khai thác, cộng thêm cầu Rồng phun nước, phun lửa dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn tại khu vực này, nhất là vào những ngày cuối tuần. Nhiều hàng quán (chủ yếu là bán nước mía, nước giải khát) buôn bán lấn chiếm vỉa hè, một số có hiện tượng chặt chém gây bức xúc cho người dân. Dù đã có giá niêm yết rõ ràng (xe máy 3.000 đồng, xe đạp 2.000 đồng) nhưng vẫn có một số người tự ý nâng giá và thậm chí họ không có giấy phép do UBND phường cấp...
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, khó khăn của quận là địa bàn có bãi biển trải dài, nhiều nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên và cũng có nhiều dự án treo, nằm xa khu dân cư, trở thành nơi tập kết xà bần; một số hộ dân tự ý trưng dụng nơi này, che chắn buôn bán, để vật dụng. Vỉa hè nhiều đoạn chưa hoàn thiện, lại thêm tình trạng người dân địa phương mang thuyền thúng, ghe nan đặt để trên vỉa hè, gây mất mỹ quan. Khu vực cầu Rồng, cầu Sông Hàn diễn ra nhiều sự kiện nhưng không có bãi đậu, đỗ xe…”.
Cũng theo ông Hùng, UBND quận thường xuyên ra quân xử lý hàng rong nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm, bởi các lực lượng chức năng chủ yếu thực hiện đẩy đuổi là chính. Nhưng đẩy đuổi thì các đối tượng di chuyển qua lại giữa các địa phương hoặc di chuyển từ các tuyến đường cấm bán hàng rong sang các tuyến đường không cấm; trong khi chưa có phương án chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ cho đối tượng bán hàng rong là người địa phương; 90% các đối tượng bán hàng rong chủ yếu là người từ các tỉnh khác đến nên rất khó quản lý.
Kiên quyết xử lý
Để giải quyết những tồn tại lâu nay, UBND quận Sơn Trà đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó tập trung xử lý các điểm nóng, nhất là trong tháng 11-2015, Tháng hành động cao điểm thực hiện văn hóa-văn minh đô thị. Trong đó, UBND quận lập chuyên đề xử lý hàng rong tại các khu vực, đoạn đường có biển cấm bán hàng rong trên địa bàn như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hồ Nghinh, cầu Rồng, công viên Biển Đông... Tổ xử lý bao gồm quy tắc đô thị quận 8 người phối hợp 2 cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và xã hội, Công an quận; mỗi phường cũng có 1 tổ xử lý gồm 8 người. Thời gian ra quân từ 16 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, lập lại trật tự tại các tuyến đường du lịch.
Theo ông Hồ Thanh Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), qua phản ánh của người dân, UBND phường đã kiểm tra và xử lý những trường hợp giữ xe, bán hàng nâng giá từ nhiều tháng trước. “Thời gian thực hiện Tháng hành động cao điểm thực hiện văn hóa-văn minh đô thị, chúng tôi tăng cường lực lượng, đặc biệt những ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật lãnh đạo phường sẽ túc trực cùng tổ xử lý giải quyết những tồn đọng, nhất là tại khu vực cầu Rồng, bến du thuyền DHC; kiên quyết dẹp nạn hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, sử dụng gầm cầu bán nước mía, đặt trụ bê-tông, những hàng quán xuống đường vẫy tay mời khách tại dãy 9 quán đường dẫn phía Nam cầu Rồng, vận động bà con đưa thuyền, thúng đặt đúng nơi quy định”, ông Quyền cho biết thêm.
Ở các phường khác như: Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ… cũng mạnh tay ra quân tháo dỡ các lều, quán tạm do người dân tự ý dựng lên để buôn bán và để vật dụng ở tuyến đường Võ Nguyên Giáp; xử lý tình trạng để xe máy dưới lòng đường khu vực công viên Biển Đông, khu vực các nhà hàng, quán ăn tại đường Võ Nguyên Giáp; yêu cầu các hộ kinh doanh bán đúng giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng chặt chém, hay nạn “đầu gấu” ép du khách; các phường tổ chức ký cam kết với các hộ bán hàng rong, yêu cầu không bán tại khu vực cấm… “Đến nay, chúng tôi đã tháo dỡ 11 lều, quán tạm; yêu cầu 7 hộ dân lùi 9m theo đúng giấy phép được cấp, còn 12 hộ sẽ tiếp tục tháo dỡ trong vài ngày tới, khi thời tiết thuận lợi”, Đinh Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang nói.
Chia sẻ thêm về thực hiện Tháng hành động cao điểm thực hiện văn hóa-văn minh đô thị của quận Sơn Trà, ông Huỳnh Văn Hùng cho hay, không phải đợi đến tháng cao điểm mới ra quân xử lý, mà quận đã tiến hành bấy lâu nay. “So với các quận khác, lực lượng quy tắc đô thị ở Sơn Trà quá ít (chỉ 30 người), các phường không có tổ quy tắc đô thị. Vì thế, để giải quyết dứt điểm các điểm nóng, quận phải huy động các lực lượng dân quân, dân phòng, cán bộ quận, phường quyết tâm giải quyết những tồn đọng gây bức xúc. Ngoài ra, cần có sự phối hợp của các quận giáp ranh, đơn vị chủ quản Ban quản lý cầu Rồng… thì mới mong chấm dứt nạn hàng rong, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.
NGỌC HÀ